Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án mua bán người là việc buộc tội đối với người có hành vi mua bán người và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra vụ án mua bán người.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án mua bán người:
- 2 2. Đặc điểm của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ cán mua bán người:
- 3 3. Vai trò của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án mua bán người đối với quá trình giải quyết đúng đắn vụ án hình sự:
1. Khái niệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án mua bán người:
Khi một người thực hiện các hành vi mà Điều 150 và Điều 151 BLHS năm 2015 quy định là tội phạm thì quyền công tố của Nhà nước được phát động, thể hiện sự buộc tội nhà nước đối với người phạm tội, cũng từ đó hoạt động kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát được bắt đầu.
Thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát là một hoạt động thuộc chức năng công tố được Nhà nước trao cho một chủ thể duy nhất là Viện kiểm sát thực hiện, thể hiện qua việc Viện kiểm sát sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhằm xử lý tội phạm đúng người, đúng tội đúng pháp luật.
Kiểm sát điều tra là hoạt động thuộc chức năng Kiểm sát hoạt động tư pháp được Nhà nước trao cho một chủ thể duy nhất là Viện kiểm sát thực hiện, thể hiện qua việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra, nhằm đảm bảo cho quá trình điều tra vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm việc điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Như vậy có thể đưa ra khái niệm:
Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án mua bán người là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự là hành vi mua bán người và để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra vụ án mua bán người; nhằm đảm bảo tội phạm mua bán người phải được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội và đảm bảo việc điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật.
2. Đặc điểm của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ cán mua bán người:
Mục đích của tố tụng hình sự là đòi hỏi mọi tội phạm đều phải được phát hiện và xử | lý kịp thời, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Để đạt được mục đích đó trước hết phải thực hiện tốt hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung, nắm vững những nội dung cơ bản của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra và còn phải xác định được những đặc điểm riêng của hoạt động này đối với các vụ án mua bán người nói riêng.
Thứ nhất, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án mua bán người là hoạt động của Viện kiểm sát do những người có thẩm quyền (Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên) tiến hành
Viện kiểm sát được pháp luật trao cho một hệ thống các quyền năng pháp lý để thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong VAHS nói chung và vụ án mua bán người nói riêng, trong đó có những quyền chỉ Viện kiểm sát mới được thực hiện (như quyền truy tố bị can ra tòa án để xét xử). Tất cả các lệnh, quyết định của CQĐT liên quan đến vụ án, bị can đều phải đặt dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát , một số lệnh, quyết định phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì mới có hiệu lực pháp luật như: quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam... Viện kiểm sát có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong hoạt động thực hành quyền công tố nhằm đảm bảo cho việc khởi tố, điều tra VAHS đúng luật định, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội và đúng chính sách pháp luật.
Thứ hai, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án mua bán người của Viện kiểm sát phải tuân thủ những quy định về trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định
thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các lĩnh vực hình sự nói chung đều đòi hỏi phải tuân thủ những trình tự, thủ tục chặt chẽ. Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát đối với
các vụ án mua bán người nhằm truy cứu TNHS đối với người phạm tội, buộc người phạm tội phải chịu hậu quả nghiêm khắc của chế tài pháp luật hình sự. Đây là chế tài nghiêm khắc nhất, có thể tước bỏ hoặc hạn chế các quyền về nhân thân, về tài sản của con người. Chính vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định rất chặt chẽ việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các mua bán người về trình tự, thủ tục cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các mua bán người của Viện kiểm sát phải được tiến hành theo thủ tục chặt chẽ nhằm cá biệt hóa các quy phạm pháp luật hình sự và tố tụng hình sự vào các trường hợp cụ thể. Việc tuân thủ những quy định về trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (quy phạm luật hình thức) là điều kiện bắt buộc và là tiền đề cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật nội dung (BLHS và các văn bản quy phạm pháp luật hình sự). Có như vậy mới đảm bảo việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội đúng pháp luật, không oan, sai.
Thứ ba, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án mua bán người của Viện kiểm sát được tiến hành ở tất cả các giai đoạn, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử
Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các VAHS, Viện kiểm sát vừa có quyền nhưng cũng có nghĩa vụ thực hiện các quyền năng pháp lý thuộc nội dung công tố và kiểm sát hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc thu thập tài liệu, chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội. Những hoạt động đó bao gồm các nội dung: Có hay không có hành vi phạm tội xảy ra? Nếu có thì phạm tội gì, được quy định tại điều khoản nào của BLHS? Ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Họ có đủ khả năng chịu TNHS hay không?... Trên cơ sở đó truy tố người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử.
Thứ tư, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án mua bán người của Viện kiểm sát là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt của các chủ thể có thẩm quyền.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát đối với từng vụ án cụ thể luôn mang sắc thái riêng, phù hợp với từng hành vi, hoàn cảnh và đặc điểm nhân thân của mỗi con người cụ thể. Sự đa dạng của thực tiễn thực hành quyền công tố không chỉ có ở từng vụ việc cụ thể, đối với những đối tượng cụ thể mà còn ở từng KSV. Mặc dù quy phạm pháp luật luôn luôn mang tính khuôn mẫu chung, các tiêu chuẩn, quyền, trách nhiệm của KSV cũng là những quy định chung, thống nhất, nhưng trình độ, năng lực, kỹ năng thực hiện công vụ ở mỗi KSV lại không giống nhau. Cùng một trường hợp phạm tội cụ thể nhưng cách nhìn nhận, đánh giá về nhân thân của bị can, về tính chất và mức độ của hành vi phạm tội ở mỗi KSV khác nhau, dẫn đến việc đề nghị áp dụng mức hình phạt cụ thể trong khung luật định có thể không giống nhau. Do đó, có thể khẳng định hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra mang dấu ấn chủ quan của KSV khá sâu sắc, đặc biệt là trong hoạt động điều tra, khi mà dấu hiệu của tội phạm, chứng cứ buộc tội mới được phát hiện và thu thập, đòi hỏi KSV phải thật sự nhạy bén, linh hoạt.
Thứ năm, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ mua bán người của Viện kiểm sát có tính bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng, các chủ thể có liên quan và được pháp luật bảo đảm thi hành
Việc tổ chức thực hiện quyết định liên quan đến thực hành quyền công tố đã ban hành là giai đoạn cuối của quá trình thực hành quyền công tố . Các văn bản thể hiện nội dung của thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra thể hiện ý chí của Nhà nước, không chỉ tác động trực tiếp đến đối tượng bị áp dụng mà còn tác động đến cả cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các đối tượng liên quan. Các văn bản của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và quá trình kiểm sát điều tra buộc chủ thể bị áp dụng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do các chế tài pháp luật hình sự đặt ra. Đây là loại chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các chế tài của pháp luật vì nó tước bỏ hoặc hạn chế các quyền nhân thân và tài sản của người bị áp dụng.
Ngoài những đặc điểm chung nêu trên, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án mua bán người có những đặc điểm riêng sau:
– Các vụ án mua bán người thường bị phát hiện chậm nên gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chính xác thời gian, địa điểm xảy ra tội phạm. Trên thực tế, phần lớn các VAHS thuộc nhóm tội này đều do cơ quan có thẩm quyền phát hiện, hoặc trong trường hợp người bị hại hoặc gia đình đến tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền; việc điều tra tội mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang, do vậy chỉ khi bị hại trốn được về nước và có đơn trình báo thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mới bị phát hiện, điều tra. Việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của bị hại cũng như khai nhận của đối tượng, chính vì vậy khó chứng minh hành vi phạm tội nếu đối tượng không thừa nhận. Mặt khác, thời gian bị hại về nước (tự trốn thoát, được giải cứu, trao trả) có thể từ vài tháng đến vài năm, thậm chí cả chục năm nên dẫn đến việc xác định thời gian, địa điểm chính xác xảy ra tội phạm gặp nhiều khó khăn; tài liệu, chứng cứ vật chất, dữ liệu, người làm chứng không xác định được. Đa số vụ án mua bán người thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, không có người làm chứng, người biết việc, nạn nhân có trình độ nhận thức, khả năng ghi nhớ hạn chế hoặc đối tượng mua là người nước ngoài. Vì vậy việc thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn.
– Đặc thù của tội mua bán người thường có nhiều đồng phạm tham gia, các đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ và một số đối tượng sống hoặc lẩn trốn trên đất nước Trung Quốc, không xác định được tên, tuổi, địa chỉ nên việc điều tra không được triệt để, thời gian điều tra khéo dài.
– Trên thực tế, đối với các vụ án mua bán người rất dễ có sự chuyển hoá tội danh gây khó khăn trong việc định tội danh. Ví dụ như việc xử lý tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi hoặc tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép là tương đối khó khăn. Trong nhiều trường hợp việc định tội danh có sự li lại một số các dấu hiệu thuộc CTTP nên trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tracần thiết phải đảm bảo rất chặt chẽ, xác định đầy đủ các dấu hiệu định tội bằng chứng cứ để xử lý một cách chính xác nhất.
Vì vậy, Viện kiểm sát mà trực tiếp là KSV làm nhiệm vụ phải nắm chặt chẽ hồ sơ, xem xét và đánh giá các chứng cứ thu thập được của CQĐT có đầy đủ, khách quan, | hợp pháp để định tội và định khung hình phạt chính xác hay không để từ đó đề ra quyết định truy tố đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời từ những chứng cứ đó thiết lập bản luận tội và bảo vệ quan điểm truy tố trước Tòa án.
3. Vai trò của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án mua bán người đối với quá trình giải quyết đúng đắn vụ án hình sự:
Trong giải quyết VAHS, Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu hồ sơ một cách khách quan, toàn diện, trên cơ sở đó ra văn bản tố tụng để bảo đảm có căn cứ và đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình. Như vậy, có thể nói, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các VAHS nói chung và vụ án mua bán người của Viện kiểm sát giữ vai trò chủ đạo và quyết định bảo đảm sự đúng đắn trong các hoạt động tư pháp ở các giai đoạn khác nhau của VAHS.
Với tư cách là chủ thể được giao quyền lực Nhà nước, vai trò của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với VAHS nói chung và vụ án mua bán người được thể hiện đầy đủ và cụ thể qua vị trí, chức năng của Viện kiểm sát . Theo Hiến pháp (2013), BLtố tụng hình sự (2015) và Luật tổ chức Viện kiểm sát ND (2014), Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong VAHS, Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết VAHS ở các giai đoạn khác nhau. Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng các biện pháp do BLtố tụng hình sự quy định nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố được kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo đảm cho hoạt động tố tụng được tiến hành đúng quy định của pháp luật. Các quy định pháp luật cho thấy Viện kiểm sát giữ vai trò chủ đạo, quyết định trong hoạt động giải quyết đúng pháp luật vụ án hình VAHS nói chung và vụ án mua bán người nói riêng.
Vai trò chủ đạo, quyết định của Viện kiểm sát trong bảo đảm sự đúng đắn của các hoạt động giải quyết VAHS được thể hiện cụ thể, rõ nét và đầy đủ hơn ở các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan này.
Vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với giải quyết đúng đắn VAHS về mua bán người còn được thể hiện một cách cụ thể hơn qua các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng và KSV, với tư cách là những người đại diện cho cơ quan công tố trực tiếp tiến hành tố tụng.
Vai trò của Viện kiểm sát cũng được thể hiện một cách đầy đủ cụ thể hơn ở từng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giải quyết VAHS. Đó là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, quyết định khởi tố VHS, khởi tố bị can; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, truy tố, trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể, trong việc quyết định đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra và truy nã bị can; trong việc quyết định truy tố.
Với những nội dung trình bày ở trên cho thấy, Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò chủ đạo và quyết định trong bảo đảm sự đúng đắn theo pháp luật của các hoạt động tố tụng. Vì vậy, có thể nói vai trò của thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với VAHS nói chung và vụ án mua bán người nói riêng của Viện kiểm sát là vai trò chủ đạo và quyết định trong các hoạt động tố tụng ở quá trình giải quyết VAHS.