Hiện nay, một số cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất với Nhà nước nhưng vì lý do kinh tế nên nhiều cá nhân, hộ gia đình phải nợ tiền sử dụng đất với Nhà nước. Tuy nhiên, khi đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thì việc xoá nợ tiền sử dụng đất được thực hiện như thế nào? Thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất mới nhất theo Luật Đất đai được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Tiền sử dụng đất được quy định như thế nào?
- 2 2. Pháp luật hiện hành cho phép cá nhân, hộ gia đình nào được nợ tiền sử dụng đất?
- 3 3. Thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất mới nhất theo Luật Đất đai:
- 3.1 3.1. Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ yêu cầu xoá nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
- 3.2 3.2. Nộp hồ sơ yêu cầu xoá nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
- 3.3 3.3. Giải quyết hồ sơ đề nghị xoá nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhận kết quả:
1. Tiền sử dụng đất được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì tiền sử dụng đất được quy định là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước trong các trường hợp sau:
– Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất;
– Người sử dụng đất được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
– Người sử dụng đất là thủ tục cấp giấy chứng nhận công nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, tiền sử dụng đất được xác định là nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện với Nhà nước khi thuộc một trong ba trường hợp trên.
2. Pháp luật hiện hành cho phép cá nhân, hộ gia đình nào được nợ tiền sử dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16
– Cá nhân, hộ gia đình người có công với cách mạng;
– Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo;
– Cá nhân, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số;
– Cá nhân, hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là xã có địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, chỉ những cá nhân, hộ gia đình được nêu trên thì mới được quyền ghi nợ tiền sử dụng đất khi bị thu hồi đất và được Nhà nước hỗ trợ đền bù, giao đất tái định cư. Việc quy định những đối tượng trên được nợ tiền sử dụng đất để đảm bảo việc giảm bớt gánh nặng về tài chính cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 79/2019/NĐ-CP thì những cá nhân, hộ gia đình nêu trên được phép ghi nợ và thực hiện trả nợ tiền sử dụng đất dần dần trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. Thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất mới nhất theo Luật Đất đai:
Theo quy định về việc nợ tiền sử dụng đất được nêu ra tại Điều 1 Nghị định số 79/2019/NĐ-CP Sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất và được phân tích tại mục 2 của bài viết này thì người sử dụng đất được nợ tiền sử dụng đất trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, khi đảm bảo được điều kiện kinh tế của mình, người sử dụng đất thực hiện hoàn tất nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của mình thì cần làm thủ tục xoá nợ tiền sử dụng đất để đảm bảo có căn cứ xác định người sử dụng đất đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính mà Nhà nước quy định.
Theo quy định trên thì những đối tượng trong trường hợp này thì khi nộp tiền sử dụng đất chậm vẫn không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 05 năm được cho phép. Nếu trong trường hợp sau 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hết thời hạn được phép chậm nộp mà cá nhân, hộ gia đình nêu trên vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì cá nhân, hộ gia đình đó phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và nộp thêm tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ từ thời điểm hết hạn 05 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 Thông tư số 45/2014/NĐ-CP thì thủ tục xoá nợ tiền sử dụng đất được thực hiện như sau:
3.1. Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ yêu cầu xoá nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định số 79/2019/NĐ-CP thì người sử dụng đất cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau để đề nghị xoá tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận tiền sử dụng đất:
– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Bản gốc của Chứng từ chứng nhận người sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất. Lưu ý, trong trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ chứng nhận việc đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì hộ gia đình, cá nhân đến kho bạc để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp.
3.2. Nộp hồ sơ yêu cầu xoá nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 79/2019/NĐ-CP Sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc xoá nợ tiền sử dụng đất cho những trường hợp nợ tiền sử dụng đất là Chi nhánh Văn phòng đăng ký biến động đất đai nơi có đất.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình sau khi chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người sử dụng đất sẽ tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu xoá nợ tiền sử dụng đất tại chi nhánh Văn phòng đăng ký biến động đất đai nơi có đất (nơi đã đăng ký quyền sử dụng đất). Người sử dụng đất có thể nộp hồ sơ thông qua các hình thức sau:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Văn phòng đăng ký biến động đất đai nơi có đất;
– Nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện gửi đến Văn phòng đăng ký biến động đất đai nơi có đất.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng đăng ký biến động đất đai có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người sử dụng đất điều chỉnh để hồ sơ bảo đảm tính hợp lệ. Nếu hồ sơ đã bảo đảm tính hợp lệ theo quy định của pháp luật thì cán bộ chuyển hồ sơ giải quyết yêu cầu.
3.3. Giải quyết hồ sơ đề nghị xoá nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhận kết quả:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu hợp lệ, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi thông tin địa chính đến Chi cục thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.
Trường hợp xác nhận người sử dụng đất đã nộp đầy đủ hồ sơ, đã được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai làm thủ tục xóa nợ trên Giấy chứng nhận trong thời hạn 02 ngày làm việc. Bên cạnh đó, văn phòng đăng ký biến động đất đai có trách nhiệm thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp xã đang giữ bản gốc của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất thì sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của Chi cục Thuế, người sử dụng đất sẽ được nhận lại Giấy chứng nhận gốc tại Uỷ ban nhân dân cấp xã. Theo đó, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người sử dụng đất nộp thông báo hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì Uỷ ban nhân dân cấp xã trả Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Người sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký xóa nợ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhận kết quả thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận trả kết quả theo phiếu hẹn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Thông tư số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2014 Quy định về thu tiền sử dụng đất;
– Nghị định số 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 10 năm 2019 Sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.