Khi có nhu cầu xác nhận quốc tịch Việt Nam, người có nhu cầu cần phải nộp hồ sơ tới Cơ quan đại diện Việt Nam được đặt tại nước ngoài nơi người đó đang cư trú, có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp thông qua đường bưu điện. Dưới đây là quy định về trình tự và thủ tục xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về thẩm quyền cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Theo đó, có thể xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài, người có yêu cầu cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở tư pháp nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc cũng có thể nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP, quy trình xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Người có nhu cầu xác nhận quốc tịch Việt Nam sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam trong trường hợp này được xác định là Cơ quan đại diện ngoại giao nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ. Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản như sau:
– Hai ảnh với kích thước 4cm x 6cm chụp trong khoảng thời gian chưa vượt quá 06 tháng;
– Tờ khai xin cấp giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy tờ về nhân thân của người xin cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, các loại giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, các loại giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp;
– Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Văn bản hợp nhất luật quốc tịch Việt Nam năm 2014, hoặc các loại giấy tờ tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương do chính quyền cũ trước đây cung cấp, trong đó bao gồm cả giấy khai sinh (không có một quốc tịch hoặc một quốc tịch bị bỏ trống, tuy nhiên trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha mẹ của người đó);
– Trong trường hợp không có các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, người yêu cầu cần phải làm bản khai lý lịch nhân thân, kèm theo một trong những loại giấy tờ được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP, để làm cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó cư trú, người yêu cầu có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi thông qua đường bưu điện tới cơ quan đại diện Việt Nam nơi người đó đang cư trú. Trong trường hợp ở nước ngoài đó không có cơ quan đại diện của Việt Nam thì sẽ nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nơi thuận tiện nhất.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và tra cứu quốc tịch Việt Nam của người nộp hồ sơ. Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan đại diện cần phải kiểm tra hồ sơ phải trực tiếp tra cứu hoặc có thể gửi văn bản đến Bộ ngoại giao để đề nghị Bộ tư pháp cha cứu quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu. Trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc Bộ tư pháp cần phải tiến hành hoạt động tra cứu và có văn bản trả lời gửi về Bộ ngoại giao theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhận thấy nghi ngờ về tính xác thực của các loại giấy tờ và văn bản chứng minh quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền trong nước cung cấp, cơ quan đại diện ngoại giao hoàn toàn có quyền gửi văn bản trình lên Bộ ngoại giao để đề nghị cơ quan đã cung cấp giấy tờ đó xác minh đầy đủ về tính chính xác của giấy tờ. Trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ ngoại giao, cơ quan nhận được yêu cầu cần phải tiến hành thủ tục xác minh kiểm tra và có bánh bản trả lời cho Bộ ngoại giao. Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu và xác minh, Bộ ngoại giao cần phải thông báo bằng văn bản cho các cơ quan đại diện.
Bước 4: Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu và xác minh của các cơ quan có thẩm quyền, nếu nhận thấy có đầy đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam, đồng thời nhận thấy người có yêu cầu không có tên trong danh sách thôi quốc tịch Việt Nam, trong danh sách bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cơ quan đại diện cần phải thụ lý hồ sơ và ghi vào sổ cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho người nộp hồ sơ, người đứng đầu cơ quan đại diện sẽ ký và cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu. Trong trường hợp không có đầy đủ cơ sở để có thể cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho người yêu cầu, cơ quan đại diện cần phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
2. Các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Văn bản hợp nhất luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 có quy định về các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Theo đó, một trong các loại giấy tờ có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy khai sinh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì bắt buộc phải kèm theo các loại giấy tờ tài liệu chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;
– Chứng minh thư nhân dân được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Hộ chiếu Việt Nam còn thời hạn;
– Quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài;
– Quyết định cho người nước ngoài có thể nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, phù hợp với quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
3. Những ai được coi là người có quốc tịch Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Văn bản hợp nhất luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 có quy định về những người có quốc tịch Việt Nam. Theo đó, những người sau đây sẽ được coi là người có quốc tịch Việt Nam:
– Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến giai đoạn ngày 01 tháng 07 năm 2009, và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuy nhiên chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước giai đoạn ngày 01 tháng 07 năm 2009 thì vẫn sẽ được giữ nguyên quốc tịch Việt Nam;
– Người Việt Nam định cư trên lãnh thổ của nước ngoài tuy nhiên chưa mất quốc tịch Việt Nam, đồng thời không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Văn bản hợp nhất luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 thì cần phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để có thể xác định là cá nhân có quốc tịch Việt Nam và được cấp hộ chiếu Việt Nam.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam;
– Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: