Doanh nghiệp của tôi bị cục quản lý cạnh tranh xác định có hành vi hạn chế cạnh tranh. Xin cho hỏi thủ tục xin hưởng miễn xử lý tiến hành như thế nào và doanh nghiệp tôi có được miễn không?
Tóm tắt câu hỏi:
Doanh nghiệp của tôi đang hoạt động trong ngành sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Vừa rồi doanh nghiệp của tôi có vướng vào vụ việc liên quan đến việc thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Được biết pháp luật có quy định các trường hợp được miễn xử lý khi thực hiện hoạt động này, nhưng tôi không biết thủ tục xin hưởng miễn xử lý tiến hành như thế nào. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo trình bày ở trên, bạn đã không cung cấp thông tin doanh nghiệp của bạn bị xử lý với hành vi hạn chế cạnh tranh nào. Bởi theo quy định của pháp luật, chỉ những hành bị hạn chế cạnh tranh bị cấm tương đối mới được hưởng miễn xử lý. Theo đó, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền là hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối, không được hưởng miễn xử lý trong mọi trường hợp. Chỉ có các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế mới được hưởng miễn. Nếu doanh nghiệp của bạn vi phạm một trong hai hành vi này và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới có thể tiến hành thủ tục xin miễn xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh. Thủ tục tiến hành như sau:
1. Trình tự thủ tục:
Bước 1: Nộp hồ sơ và thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tại cơ quan quản lý cạnh tranh.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ, xem xét tính đầy đủ của hồ sơ:
– Nếu chưa đầy đủ: thông báo những giấy tờ còn thiếu cho người nộp hồ sơ;
– Nếu đã đầy đủ: viết giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Doanh nghiệp nhận được thông báo về kết quả giải quyết có chấp nhận hay không việc được hưởng miễn trừ.
1. Hồ sơ gồm có:
– Đơn đề nghị hưởng miễn trừ (theo mẫu): 01 bản chính;
– Văn bản ủy quyền các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tham gia tập trung kinh tế cho bên đại diện: 01 bản chính hoặc bản sao có công chứng;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế hoặc tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: 01 bản sao có công chứng;
– Điều lệ của hiệp hội tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: 01 bản sao có công chứng;
– Báo cáo tài chính trong 02 năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tham gia tập trung kinh tế có xác nhận của tổ chức kiểm toán: 01 bản chính mỗi báo cáo;
– Báo cáo thị phần trong 02 năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tham gia tập trung kinh tế: 01 bản chính mỗi báo cáo;
– Báo cáo giải trình cụ thể về việc đáp ứng các trường hợp được hưởng miễn trừ theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
– Cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét giải quyết các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.
– Cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ để kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Thời gian thực hiện:
– Các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Công thương: thời hạn ra quyết định không quá 60 ngày, có thể gia hạn nhưng không quá 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày;
– Các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng chính phủ: thời hạn ra quyết định không quá 90 ngày, trường hợp tình tiết phức tạp thì thời hạn là 180 ngày.
4. Lệ phí: Không có.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 – 1900.6212 để được giải đáp.