Qũy tai nạn lao động là quỹ được thành lập hợp pháp, có sự tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động để bồi thường và chi trả cho người lao độn khi tai nạn lao động. Vậy, Thủ tục xin giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cá trường hợp được đóng với mức thấp hơn vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động:
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong các quỹ thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội; Khi tham gia vào quỹ này thì các hoạt động như đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật này và Luật bảo hiểm xã hội. Có thể thấy, mục tiêu lớn nhất khi tham gia gói bảo hiểm của các doanh nghiệp mua để bảo vệ và bảo hiểm cho công nhân của mình, khi xảy ra những sự kiện trên thì sẽ được sử dụng để bồi thường và chi trả cho người lao động về những thương tật, thương tích do tai nạn lao động gây ra. Qũy bảo hiểm tai nạn lao động phải đóng theo mức đã quy định nhưng vẫn tồn tại những trường hợp có thể đóng mức thấp hơn bình thường. Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP đã ghi nhận các trường hợp được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng mức đóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Nghị định này nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:
– Doanh nghiệp cần đảm bảo điều kiện về việc tuân thủ pháp luật trong an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội, cụ thể là trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội;
– Hoàn tất trách nhiệm trong việc thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
– Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn lao động trong suốt thời gian hoạt động, thông qua đánh giá tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
2. Hồ sơ, thủ tục xin giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động:
2.1. Hồ sơ xin giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động:
Hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức đóng bình thường được hướng dẫn chi tiết tại Điều 6 Nghị định 58/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Cần có 01 văn bản đề nghị quy định được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP;
– Cá nhân gửi kèm theo bản sao chứng thực Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được thực hiện bởi tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động (Nội dung này được quy định tại Điều 7 Nghị định 58/2020/NĐ-CP).
– Đồng thời, cần có sự báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động quy định theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP.
2. Trình tự xin giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động:
Để hồ sơ xin giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động được chấp thuận, tiết kiện thời gian sửa đổi hồ sơ thì cần lưu ý giấy tờ tài liệu cần chuẩn bị cùng với đó cũng phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để nhận được quyết định áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể:
Bước 1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ:
Người sử dụng lao động có nhu cầu áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì nộp 01 bộ hồ sơ.
Hình thức để tiến hành nộp hồ sơ là thực hiện một cách trực tiếp hoặc gửi thông qua trực tuyến hoặc qua đường bưu điện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này, cơ quan giải quyết hồ sơ thuộc về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Bước 2. Tiếp nhận, xem xét đơn đề nghị:
Khi tiếp nhận hồ sơ của cá nhân yêu cầu giảm mức đóng bảo hiểm xã hội thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện các công việc nhất định trong thời hạn 30 ngày làm việc, như sau:
– Tiến hành gửi văn bản đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sau đó tiến hành đề nghị đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Việc thông báo này sẽ dựa theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
– Không chỉ thế, cơ quan này còn thực hiện đăng tải thông tin của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi. Thời gian thực hiện hoạt động này là trong vòng ít nhất 10 ngày;
– Trực tiếp đứng ra tổ chức thẩm định, quyết định việc áp dụng mức đóng mới thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; gửi hoặc trả kết quả trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội đế tổ chức thực hiện;
– Đối với trường hợp không đủ điều kiện áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường thì cơ quan có thẩm quyền phải trả lời cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do;
Bước 3: Thực hiện quyết định việc áp dụng mức đóng mới thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Một số lưu ý về thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn bình thường của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động:
Căn cứ Điều 9 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:
+ Thời hạn thực hiện mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 36 tháng, kể từ tháng quyết định áp dụng mức đóng có hiệu lực;
+ Trong vòng 60 ngày trước ngày hết thời hạn áp dụng mức đóng nếu người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu tiếp tục mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Mục 2 và thực hiện đề nghị theo quy định tại Mục 3 nêu trên.
3. Mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định về mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:
– Mức đóng bình thường được áp dụng trên thực tế là bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; mức đóng này được áp dụng với tất cả người lao động trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước;
– Riêng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này thì mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội;
– Khi tiến hành đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì người sử dụng lao động sẽ thực hiện hằng tháng với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động, đã được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội;
– Trong trương hợp mà người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì cũng tiến hành đóng hàng tháng và cần đảm bảo rằng mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này; ngoài ra cũng có thể lựa chọn phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Nghị định số 58/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.