Thủ tục xác nhận thương binh. Hồ sơ hưởng chế độ thương binh.
Thủ tục xác nhận thương binh. Hồ sơ hưởng chế độ thương binh.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Bố tôi là quân nhân đã nghỉ hưu từ năm 1992.Trong thời gian phục vụ ông bị thương, tỉ lệ thương tật là 12%. Năm 2003, vết thương tái phát phải lên bệnh viên quân y 103 để điều trị và mổ lấy kim khí trong người ra.Từ đó đến nay ông chưa làm đk chế độ hưởng trợ cấp thương binh. Giờ ông thường xuyên bị đau do vết thương cũ tái phát. Xin hỏi Luật sư,giờ muốn làm giám định thương tật cho bố tôi thì phải làm thủ tục như thế nào,xin cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Thông tư liên tịch 45/2014/TTLT-BYT-BLDTBXH
2. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 45/2014/TTLT-BYT-BLDTBXH về đối tượng khám giám định:
"1. Người bị thương khám giám định thương tật lần đầu là người bị thương đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP chưa được khám giám định thương tật lần nào.
2. Thương binh được kết luận thương tật tạm thời thì sau ba năm được khám giám định lại để xác định tỷ lệ % TTCT vĩnh viễn, sau đây gọi là đối tượng đã được xác định tỷ lệ tạm thời.
3. Thương binh đã được khám giám định thương tật mà lại bị thương tiếp thì được khám giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ % TTCT, sau đây gọi là đối tượng khám giám định bổ sung vết thương.
4. Thương binh đã khám giám định thương tật nhưng còn sót vết thương thì được khám giám định vết thương còn sót và tổng hợp tỷ lệ % TTCT, sau đây gọi là đối tượng khám giám định vết thương còn sót. Việc xác định đối tượng có vết thương còn sót theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
5. Thương binh đã khám giám định thương tật, nay có vết thương tái phát theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì được khám giám định vết thương tái phát đó, sau đây gọi là đối tượng khám giám định vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B)."
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 31/2013/NĐ-CP về điều kiện xác nhận:
"1. Người bị thương thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi chung là thương binh):
a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;
c) Hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể;
d) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp bị thương trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là thương binh;
đ) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;
… "
>>> Luật sư tư vấn về chế độ thương binh qua tổng đài: 1900.6568
Bố bạn trong thời gian phục vụ tại ngũ đã bị thương cũng chưa làm thủ tục giám định thương tật để yêu cầu hưởng chế độ thương bệnh binh nên thuộc đối tượng được giám định lần đầu. Bố bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH sau đó nộp tại cơ quan hội đồng giám định y khoa để được xử lý giải quyết:
"1. Bản chính
Giấy giới thiệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy quyền ký tên và đóng dấu (sau đây gọi chung là Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội). Giấy giới thiệu phải ghi rõ đối tượng khám giám định thương tật lần đầu.2. Bản sao Giấy chứng nhận bị thương do Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ký xác nhận, đóng dấu.
3. Giấy đề nghị khám giám định của người đi khám có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đi khám đang làm việc."