Một trong các điều kiện để được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ đó là Công nghệ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của khách hàng và không thuộc trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc danh mục công nghệ cấm chuyển giao. Vậy thủ tục vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ:
Căn cứ Thông tư 14/2016/TT-BKHCN quản lý các hoạt động cho vay thì thủ tục vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ được thực hiện như sau:
1.1. Chuẩn bị hồ sơ vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ:
Hồ sơ vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị vay vốn (đơn được thực hiện theo Mẫu 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14/2016/TT-BKHCN);
– Thuyết minh dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống (bản thuyết minh được thực hiệntheo Mẫu 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14/2016/TT-BKHCN);
– Tài liệu pháp lý của khách hàng gồm có:
+ Giấy đăng ký kinh doanh và điều lệ doanh nghiệp;
+ Các giấy tờ chứng minh năng lực pháp lý;
+ Các giấy tờ chứng minh người đại diện theo pháp luật;
+ Văn bản phê duyệt về phương án vay vốn.
– Tài liệu pháp lý của dự án: văn bản phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan chức năng về dự án đầu tư (nếu như có). Các giấy phép, bản quyền cho công nghệ ứng dụng, những hạng mục xây dựng, xuất nhập khẩu, sản xuất sản phẩm của dự án;
– Tài liệu chứng minh năng lực tài chính, năng lực quản lý, chuyên môn, cơ sở vật chất kỹ thuật của chính khách hàng: báo cáo tài chính có kiểm toán 2 năm gần nhất; xác nhận của chính cơ quan thuế; nhân lực theo ngành nghề phục vụ cho việc triển khai dự án; những dự án tương tự đã thực hiện; mặt bằng, nhà xưởng máy móc thiết bị;
– Hồ sơ bảo đảm tiền vay cho khoản vay: những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng; định giá tài sản; bảo hiểm rủi ro;
– Những tài liệu khác theo quy định của Ngân hàng nhận ủy thác.
Lưu ý rằng, khách hàng vay vốn phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến bộ hồ sơ đăng ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đó.
1.2. Đánh giá, thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn:
Sau khi khách hàng vay vốn chuẩn bị xong hồ sơ vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ đã nêu trên thì gửi đến cho Cơ quan điều hành Quỹ, khi đó Cơ quan điều hành Quỹ đưa vào đánh giá, thẩm định theo đúng quy định. Quy định về tổ chức đánh giá, thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn như sau:
– Đánh giá về khoa học và công nghệ:
+ Quỹ thực hiện việc đánh giá khoa học và công nghệ của dự án đề nghị vay vốn thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ do chính Quỹ thành lập (sau đây gọi tắt là Hội đồng). Hội đồng phải có trách nhiệm tư vấn cho Quỹ về việc cho vay hoặc không cho vay, mức vốn vay, lãi suất vay và thời hạn vay.
+ Số lượng, cơ cấu tổ chức và quy trình làm việc của Hội đồng được thực hiện theo đúng Quy chế do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành.
+ Các nội dung đánh giá:
++ Đánh giá về sự phù hợp của dự án với phạm vi, với đối tượng cho vay của Quỹ
++ Đánh giá, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư được thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
+ Kết quả đánh giá của Hội đồng được ghi vào trong biên bản họp hội đồng và được gửi cho Quỹ để triển khai các công việc tiếp theo:
++ Trường hợp mà Hội đồng đề nghị cho vay, Quỹ gửi hồ sơ dự án cho Ngân hàng nhận ủy thác để thẩm định tín dụng;
++ Trường hợp mà Hội đồng đề nghị không cho vay, Quỹ gửi văn bản thông báo cho khách hàng về kết quả đánh giá đối với dự án.
+ Trong một số trường hợp cần thiết khi có đề nghị của Hội đồng và đã được Cơ quan điều hành Quỹ chấp thuận, Quỹ và thành viên đại diện Hội đồng sẽ có thể tiến hành thẩm định thực tế ở tại địa điểm triển khai dự án trước khi đưa ra ý kiến kết luận về kết quả đánh giá dự án.
– Thẩm định về tín dụng:
+ Việc thẩm định tín dụng dự án sẽ do Ngân hàng nhận ủy thác thực hiện theo những quy định của tổ chức và các quy định hiện hành của Nhà nước đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
+ Kết quả thẩm định tín dụng của Ngân hàng nhận ủy thác được thông báo cho Quỹ bằng văn bản theo đúng với mẫu được quy định tại Hợp đồng ủy thác.
– Vấn đề phê duyệt dự án:
+ Tổng hợp về kết quả đánh giá, thẩm định:
++ Quỹ tổng hợp kết quả đánh giá của Hội đồng và kết quả thẩm định tín dụng của Ngân hàng để trình lên Hội đồng quản lý Quỹ xem xét phê duyệt. Dự án được Quỹ đề nghị cho vay sẽ phải được Hội đồng đề nghị cho vay và Ngân hàng nhận ủy thác đề nghị cấp tín dụng.
++ Trường hợp Ngân hàng nhận ủy thác đề nghị không cấp tín dụng, Quỹ phải gửi văn bản thông báo cho khách hàng về kết quả đánh giá và thẩm định đối với dự án.
+ Thông báo kết quả phê duyệt dự án: Quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cho Ngân hàng nhận ủy thác và khách hàng về quyết định cho vay/không cho vay của Quỹ đối với bộ hồ sơ dự án sau khi có kết quả phê duyệt của Hội đồng quản lý Quỹ để các bên biết và phối hợp thực hiện.
– Thời gian xử lý và thông báo kết quả đánh giá, thẩm định dự án tối đa là 06 (sáu) tháng kể từ ngày mà nhận được hồ sơ hợp lệ.
1.3. Giải ngân vốn vay:
– Quỹ chuyển vốn cho vay vào tài khoản được mở riêng cho Quỹ tại Ngân hàng nhận ủy thác sau khi đã ký Hợp đồng ủy thác.
– Ngân hàng nhận ủy thác thực hiện giải ngân phù hợp với tiến độ dự án, kỳ hạn rút vốn được quy định ở trong Hợp đồng tín dụng, theo quy định của pháp luật liên quan và chuyển cho Quỹ bản sao những chứng từ liên quan trong 03 (ba) ngày làm việc, kể từ thời điểm giải ngân.
– Trường hợp phải dừng giải ngân vốn vay, thu hồi nợ trước hạn do khách hàng vi phạm những thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng nhận ủy thác phải có văn bản thông báo cho Quỹ để xử lý theo quy định.
2. Đối tượng và điều kiện được xem xét vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ:
Căn cứ Điều 5 Thông tư 14/2016/TT-BKHCN quản lý các hoạt động cho vay thì đối tượng và điều kiện được xem xét vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ được quy định như sau:
– Đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn của Quỹ quy định ở tại khoản 2 Điều 3 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP.
– Khách hàng vay vốn phải đáp ứng những yêu cầu sau:
+ Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;
+ Có đủ năng lực về chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện dự án vay vốn theo quy định;
+ Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Điều 7 Thông tư 14/2016/TT-BKHCN và những quy định của pháp luật có liên quan;
+ Tại thời điểm đề nghị vay vốn, không có các khoản nợ đọng thuế, nợ xấu ở tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Có vốn tự có tham gia thực hiện dự án tối thiểu là 20% của tổng vốn đầu tư của dự án.
– Dự án vay vốn phải đáp ứng những yêu cầu sau:
+ Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm có cả xác nhận đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường);
+ Công nghệ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của khách hàng và không thuộc trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc danh mục công nghệ cấm chuyển giao;
+ Sản phẩm của dự án được sản xuất và lưu hành theo đúng quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 14/2016/TT-BKHCN quản lý các hoạt động cho vay.
THAM KHẢO THÊM: