Mọi công dân có đủ tiêu chuẩn tình nguyện phục vụ lâu dài trong Công an, được xem xét tuyển chọn vào Ngành, được bố trí công việc phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân.
Mọi công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tình nguyện phục vụ lâu dài trong Công an nhân dân, được xem xét tuyển chọn vào Ngành, được bố trí công việc phù hợp với trình độ đào tạo và khả năng của bản thân. Căn cứ theo quy định tại Văn bản hợp nhất 11/2014/VBHN-BCA quy định hồ sơ tuyển chọn và tổ chức tuyển chọn như sau:
1. Hồ sơ tuyển chọn
Công dân dự tuyển chọn vào Công an nhân dân phải nộp cho Cơ quan Công an (nơi thông báo tuyển) những giấy tờ sau:
– Đơn tự nguyện phục vụ lâu dài trong Công an nhân dân.
– Giấy khai sinh (nếu bản sao phải có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công chứng).
– Bản lý lịch theo mẫu quy định của Bộ Công an có xác nhận của chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn nơi cư trú) hoặc của cơ quan nơi công tác, có ảnh kiểu chứng minh nhân dân cỡ 4 x 6 cm đóng dấu giáp lai.
– Bản phô tô các văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật (theo nhu cầu cần tuyển), đồng thời mang theo bản chính để đối chiếu.
– Giấy chứng nhận đoàn viên, đảng viên (nếu là đoàn viên, đảng viên).
– Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp quận, huyện trở lên cấp. Giấy chứng nhận sức khoẻ có giá trị 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
– Các giấy tờ chứng nhận con thương binh, liệt sĩ; con Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động… (nếu có).
– Nếu là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội nhân dân chuyển ngành, phải có nhận xét cán bộ (về phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn…) trong thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị.
2. Tổ chức tuyển chọn
* Hội đồng tuyển chọn
Công an đơn vị, địa phương (được giao thẩm quyền quyết định tuyển chọn cán bộ) thành lập Hội đồng tuyển chọn gồm:
– Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng đơn vị, địa phương là Chủ tịch Hội đồng.
– Đại diện lãnh đạo cơ quan tổ chức cán bộ là Phó Chủ tịch hội đồng.
– Đại diện lãnh đạo đơn vị có chỉ tiêu tuyển là thành viên.
– Cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển chọn cán bộ của đơn vị, địa phương là thành viên.
*Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn
– Thông báo công khai chỉ tiêu, đối tượng, tiêu chuẩn, ngành nghề, điều kiện dự tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng tuyển cho các đơn vị nghiệp vụ cần giữ bí mật về người định tuyển, Hội đồng tuyển chọn chỉ thông báo chỉ tiêu, tiêu chuẩn tuyển chọn để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, địa phương giới thiệu người dự tuyển.
– Hướng dẫn người có nguyện vọng được tuyển vào Công an làm hồ sơ tuyển chọn; tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ dự tuyển; sơ tuyển (trong trường hợp số người đăng ký dự tuyển cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được tuyển); thông báo danh sách những người đủ điều kiện, không đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự tuyển.
– Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người dự tuyển để tìm hiểu động cơ, mục đích, nguyện vọng vào Công an nhân dân.
– Tổ chức kiểm tra sức khoẻ.
– Tổ chức kiểm tra năng khiếu Công an, kiểm tra trình độ chuyên môn, kỹ thuật… đối với người dự tuyển, cụ thể là:
+ Phổ biến mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm tra.
+ Hướng dẫn thể lệ, quy chế kiểm tra.
+ Lập danh sách người phải qua kiểm tra.
+ Tổ chức việc kiểm tra, chấm điểm đảm bảo khách quan, công bằng, công khai và dân chủ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Báo cáo kết quả kiểm tra.
– Thẩm tra, xác minh lý lịch (theo quy định).
– Hoàn thiện các thủ tục để trình lãnh đạo có thẩm quyền quyết định tuyển, tạm tuyển hoặc trả lời cho người dự tuyển về lý do không được tuyển chọn.
– Trong thời gian 3 tháng kể từ khi tiếp nhận hồ sơ của người dự tuyển, Hội đồng tuyển chọn phải thực hiện các nhiệm vụ trên.