Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại. Thông thương đối với các vấn đề liên quan đến thương mại, bảo vệ người tiêu dùng, kinh doanh, ... các bên trong mối quan hệ này thường lựa chọn thống nhất trọng tài thương mại để giải quyết nếu phát sinh tranh chấp. Vậy thủ tục tố tụng và ra phán quyết của Trọng tài thương mại như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục tố tụng và ra phán quyết của trọng tài thương mại:
Bước 1: Nguyên đơn nộp Đơn kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí trọng tài
Trung tâm Trọng tài xác định thời hiệu, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, sau đó xem xét thẩm quyền, thụ lý đơn khởi kiện và gửi thông báo, đơn kiện, tài liệu liên quan cho bị đơn.
Đơn kiện bao gồm các nội dung sau: Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp; Cơ sở và chứng cứ khởi kiện (nếu có);Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp; Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Khi nộp Đơn kiện, Nguyên đơn phải đồng thời nộp thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan và nộp phí trọng tài.
Trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài thì nguyên đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn kiện.
Bước 2: Trung tâm Trọng tài thông báo đơn khởi kiện
Nếu quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác hoặc các bên không có thoả thuận khác thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu kèm theo đơn khởi kiện.
Bước 3: Bị đơn nộp Bản Tự bảo vệ và chỉ định trọng tài viên
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn. Còn đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc thì bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.
Bản tự bảo vệ phải có các nội dung cơ bản sau: Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ; Tên và địa chỉ của bị đơn;Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.
Ngoài ra, bị đơn còn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp.
Bước 4: Thành lập hội đồng trọng tài
* Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên:
– Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên chọn 1 Trọng tài viên và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên.
– Hai trọng tài viên được các bên chọn bầu 1 Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài; Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày các Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định mà việc bầu không thực hiện được, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định một thành viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài;
* Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất: Nguyên đơn và bị đơn thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất giải quyết hoặc trong trường hợp các bên không thống nhất được Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn quy định thì yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất và thông báo cho các bên.
Bước 5: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ, thực hiện một số các công việc theo thẩm quyền theo quy định
Hội đồng trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên với sự có mặt của bên kia bằng các hình thức thích hợp để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp. Với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết, thì hội đồng trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba.
Hội đồng trọng tài thực hiện một số các công việc theo thẩm quyền chẳng hạn như xác minh sự việc, triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bước 6: Hội đồng Trọng tài triệu tập các Bên đến phiên họp giải quyết tranh chấp
Thời gian và địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp do Hội đồng trọng tài quyết định và phiên họp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mời người làm chứng tham dự phiên họp. Nguyên đơn bị coi là rút đơn khởi kiện trong trường hợp đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận và Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu bị đơn có yêu cầu hoặc có đơn kiện lại. Còn đối với trường hợp Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp.
Bước 7: Công bố phán quyết của Trọng tài
Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng.
Ngay sau ngày ban hành, phán quyết trọng tài phải được gửi cho các bên. Các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài vụ việc hoặc Trung tâm trọng tài cấp bản sao phán quyết trọng tài.
Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, ràng buộc đối với các bên.
Bước 8: Yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài
Khi hết thời hạn chủ động thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, sau khi phán quyết được đăng ký thì bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
2. Các trường hợp hủy phán quyết trọng tài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Luật trọng tài thương mại năm 2010, phán quyết của trọng tài bị hủy khi có các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, khi có đơn yêu cầu của một bên thì tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài.
Thứ hai, phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Các bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
+ Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp, thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật trọng tài thương mại mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án;
+ Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc nội dung yêu cầu giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết thì nội dung đó bị huỷ;
+ Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết khi Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp;
+ Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài.
3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Luật trọng tài thương mại năm 2010, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được thực hiện như sau:
– Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó của các bên trong tranh chấp không vi phạm điều cấm và không trái với đạo đức xã hội.
– Trọng tài viên phải thực hiện giải quyết tranh chấp một cách độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật, không bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ xung quanh.
– Các bên tranh chấp đều có được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho mình. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để họ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
– Phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có giá trị ràng buộc đối với các bên.
4. Hình thức thỏa thuận trọng tài:
Việc thỏa thuận giải quyết trọng tài được thực hiện bằng hình thức theo quy định tại Điều 16 của Luật trọng tài thương mại năm 2010, cụ thể như sau:
– Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức thỏa thuận riêng hoặc điều khoản trọng tài trong hợp đồng.
– Thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới hình thức bằng văn bản. Ngoài ra, các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
+ Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng fax, telex, telegram, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
+ Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin giữa các bên bằng văn bản;
+ Thỏa thuận theo yêu cầu của các bên được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản;
+ Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện các bên đã có thỏa thuận trọng tài như chứng từ, hợp đồng, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
+ Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận mà do một bên đưa ra và bên kia không có ý kiến phủ nhận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật trọng tài thương mại năm 2010.