Thế nào là tiêu huỷ hàng hoá, thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng? Các trường hợp cần phải tiêu huỷ hàng hoá? Thủ tục tiêu huỷ hàng hoá, thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng?
Hàng hoá hay thuốc tân dược hiện nay khi được sản xuất và đửa ra thị trường kinh doanh và tiêu dùng đều ghi đầy đủ những thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng để người dùng nắm bắt về thời gian có thể sử dụng hàng hoá, thuốc tân dược đó. Do đó, một câu hỏi được đặt ra là khi những hàng hoá, thuốc tân dược hết hạn sử dụng thì những cơ sở kinh doanh phải tiêu huỷ như thế nào. Có được tự ý tiêu huỷ hay không? Hay khi tiêu huỷ cần phải xin cấp phép ở đâu và thực hiện theo trình tự, thủ tục thế nào?
Căn cứ pháp lý: Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 04 tháng 5 năm 2018 quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tiêu huỷ hàng hoá, thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng?
Tiêu huỷ hàng hoá được hiểu đơn giản là sử dụng các phương pháp, kỹ thuật để xử lý hàng hoá nào đó theo trình tự, thủ tục mà pháp luạt quy định nhằm làm cho hàng hoá không còn được sử dụng với mục đích ban đầu nữa.
Theo đó, tiêu huỷ hàng hoá, thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng là sử dụng các phương pháp, kỹ thuật cần thiết để làm cho hàng hoá, thuốc tân dược đó không thể sử dụng lại với mục đích ban đầu của nó. Tiêu huỷ hàng hoá, thuốc tân dược phải bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp xử lý chuyên môn để không ảnh hưởng đến con người, môi trường xung quanh.
2. Các trường hợp cần phải tiêu huỷ hàng hoá:
– Hàng hóa, nguyên liệu hết hạn sử dụng so với thông tin được ghi trên các giấy tờ có giá trị chứng minh thời hạn sử dụng và phải căn cứ vào các quy định của pháp luật khác (nếu có) kèm theo;
– Hủy hàng do tạm nhập về sản xuất theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng nguyên liệu nhập về dư hoặc không được dùng để sản xuất hàng hóa đó;
– Hàng hóa không được phép lưu hành trên thị trường và các loại hàng hóa có vi phạm về thuế, xuất nhập khẩu;
– Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động thực hiện việc tiêu hủy hàng do doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đó dừng bán dòng sản phẩm đó trên thị trường hoặc doanh nghiệp sản xuất hàng hoá để kinh doanh nhưng trong quá trình sản xuất bị lỗi mà cần phải tiêu hủy hàng hóa bị lỗi đó;
– Hàng hóa bị tiêu huỷ do hư hại vì nguyên nhân, sự cố khách quan như do gặp phải sự cố cháy nổ, lũ lụt, thiên tai, hỏa hoạn khiến cho công năng sử dụng của hàng hóa mất đi một phần hoặc toàn bộ, bị thay đổi bản chất hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn và cần phải loại bỏ.
3. Thủ tục tiêu huỷ hàng hoá, thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng:
3.1. Thủ tục tiêu huỷ hàng hoá đã hết hạn sử dụng:
Khi hàng hoá hết hạn sử dụng, không thể tiếp tục sử dụng thì doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hoá hết hạn sử dụng cần phải tiêu huỷ hàng hoá đó để tránh tồn kho, ảnh hưởng đến những hàng hoá khác còn gía trị sử dụng. Theo đó, doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh cần thực hiện tiêu huỷ theo trình tự, thủ tục sau:
– Bước 1: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hoá hết hạn sử dụng cần nộp hồ sơ chứng minh hàng hóa hết hạn sử dụng cho cho quan thuế. Tuy nhiên, cần lưu ý là thời hạn nộp hồ sơ chứng minh phải diễn ra trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế. Theo đó, hồ sơ để yêu cầu tiêu huỷ hàng hoá đã hết hạn sử dụng thì doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị hủy hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng;
+ Biên bản kiểm tra hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng;
+ Quyết định cho phép hủy hoặc thanh lý hàng đã hết hạn sử dụng của lãnh đạo công ty;
+ Biên bản tiêu hủy hàng có chữ ký của các bên.
– Bước 2: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần phải lập biên bản kiểm kê và lưu tại doanh nghiệp để giải trình với các cơ quan chức năng sau này khi có kế hoạch kiểm tra.
– Bước 3: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần thành lập hội đồng tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng. Theo đó, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hoá hết hạn sử dụng cần lập Hội đồng tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng bao gồm các thành phần sau:
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
+ Nhân viên công ty có chuyên môn hoặc phụ trách về việc xử lý hàng hóa hết hạn sử dụng;
+ Người đại diện đơn vị có chức năng tiêu hủy hàng hóa;
+ Người chứng kiến (làm chứng) của cơ quan có chức năng có liên quan.
– Bước 4: Thực hiện tiêu huỷ đối với hàng hoá hết hạn sử dụng. Khi thực hiện tiêu huỷ hàng hoá hết hạn sử dụng cần tuân thủ theo các phương pháp riêng để đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tiêu huỷ và môi trường xung quanh. Cụ thể một số phương pháp tiêu huỷ được áp dụng với từng loại hàng hoá riêng biệt như sau:
+ Nếu hàng hóa thuộc loại hóa mỹ phẩm – thực phẩm có trạng thái lỏng thì có thể áp dụng giải pháp xử lý nước thải; nếu ở trạng thái rắn có thể thực hiện cắt hủy hình dạng, đối với những bộ phận có thể tái chế thì xử lý và chuyển giao cho đơn vị có chức năng để tái chế, vật liệu không thể tái chế sẽ hóa rắn hoặc chôn lắp, đối với trạng thái cả rắn và lỏng sẽ áp dụng đồng thời các biện pháp trên để đảm bảo tối đa hiệu quả xử lý và không ảnh hưởng đến môi trường;
+ Nếu hàng hóa là hạt giống cây trồng thì áp dụng biện pháp chôn lấp hoặc đốt;
+ Nếu hàng hóa là bao bì cũng sẽ áp dụng giải pháp cắt hủy hình dạng chuyển giao đồng xử lý hoặc đốt hàng hoá đó;
+ Nếu hàng hóa thuộc nhóm hàng hóa có thể tái chế thì có thể áp dụng song song hủy hình dạng và tái chế hoặc hủy hình dạng san lấp mặt bằng…
Ngoài ra còn một số phương pháp khác được áp dụng đối với các loại hàng hoá khác nhau.
– Bước 5: Sau khi hoàn thành tiêu hủy thì Hội đồng tiêu huỷ lập biên bản tiêu hủy để lưu tại doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
3.2. Thủ tục tiêu huỷ thuốc tân dược khi hết hạn sử dụng:
Thuộc tân dược mang những đặc thù riêng của hàng hoá, ngành nghề nên khi thực hiện tiêu huỷ thuốc tân dược hết hạn sử dụng thì cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thực hiện giải quyết việc tiêu huỷ theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức lập biển ban kiểm kê thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng;
Bước 2: Ban lãnh đạo công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh ra quyết định và ký xác nhận cho phép tiêu hủy lô hàng thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng;
Bước 3: Thành lập Hội đồng hủy thuốc căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo việc tiêu huỷ thuốc tân dược đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, Hội đồng huỷ thuốc tân dược hết hạn sử dụng do người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược quyết định thành lập có ít nhất 03 người nhưng phải đảm bảo có 01 người đại diện chịu trách nhiệm chính về chuyên môn.
Bước 4: Cơ sở tiêu huỷ thuốc tân dược khi tiêu tuỷ thì cần liên hệ với đơn vị có chức năng thực hiện việc thu gom và tiêu hủy hàng hóa. Trong quá trình tiêu hủy, cần lập Biên bản tiêu hủy có chữ ký xác nhận của người chứng kiến, đơn vị giám sát hành động tiêu huỷ và lãnh đạo công ty. Người chứng kiến ở đây có thể mời đến là đại diện Chi cục thuế, Sở y tế hoặc các cơ quan chức năng có liên quan khác. Lưu ý việc huỷ thuốc tân dược hết hạn sử dụng phải đảm bảo được sự an toàn cho người trực tiếp tiêu huỷ và môi trường xung quanh, tránh để lại hậu quả sau này.
Theo đó, phương pháp tiêu hủy thuốc tân dược hiện nay thường được sử dụng là chôn lấp thuốc tân dược, đốt hoặc thải ra nguồn nước,…Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tiêu huỷ thuốc tân dược cũng có thể lựa chọn một công ty môi trường uy tín để thực hiện tiêu hủy. Như vậy, việc tiêu huỷ thuốc tân dược có thể hạn chế khả năng làm hại môi trường sống xung quanh.
Bước 5: Hoàn thiện các biên bản huỷ thuốc tân dược hết hạn sử dụng theo Mẫu số 06 được ban hành tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-BYT và nộp lưu ở công ty và các cơ quan chức năng khác.