Thủ tục tiến hành phiên tòa xét xử phúc thẩm dân sự. Các bước tiến hành trong một phiên tòa xét xử phúc thẩm dân sự.
1.Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Theo quy định tại điểu 267 Bộ luật tố tụng dân sự 2004,
“Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa được thực hiện theo quy định tại các điều 212, 213, 214, 215, 216 của Bộ luật này”.
Bao gồm các thủ tục sau:
– Chuẩn bị khai mạc phiên tòa.
– Khai mạc phiên tòa .
– Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,người giám định, người phiên dịch.
– Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt.
– Bảo đảm tính khách quan của người làm chứng.
2.Thủ tục hỏi tại phiên tòa.
* Thủ tục hỏi tại phiên tòa.
Thủ tục này được quy định đầy đủ trong Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 .Chúng được tiến hành sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm.Nội dung của vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị sẽ được công bố và tiếp theo đó chủ tọa phiên tòa tiến hành hỏi các đương sự về các vấn đề sau:
– Hỏi nguyên đơn có rút đơn kiện hay không? (Điểm a khoản 2). Nếu nguyên đơn rút đơn kiện thì hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không? Nếu bị đơn không đồng ý thì hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và phiên tòa phúc thẩm vẫn được tiến hành bình thường, nếu bị đơn đồng ý thì hội đồng xét xử chấp thuận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra quyết định hủy bỏ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của bản án sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
– Hỏi người kháng cáo, kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị hay không? (Điểm b khoản 2) Nếu có việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị thì hội đồng xét xử giải quyết theo quy định tại Điều 256 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.
– Hỏi các đương sự có thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án hay không? (Điểm c khoản 2 Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự).Việc thỏa thuận này phải tự nguyện, không trái pháp luật và trái đạo đức xã hội thì hội đồng xét xử ra bản án phúc thẩm sửa lại bản án sơ thẩm và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong trường hợp chủ tọa phiên tòa đã hỏi mà nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên kháng nghị và các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì hội đồng xét xử phúc thẩm bắt đầu xét xử bằng việc nghe lời trình bày của các đương sự.
+ Sau khi nghe các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày, việc hỏi công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm.
+ Việc hỏi phải được thực hiện đối với những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm.
3. Tranh luận tại phiên tòa.
Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện giống như quy định tại thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, được quy định từ Điều 232 đến Điều 235 Bộ luật tố tụng dân sự.
– Trình tự tranh luận: Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định “thứ tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện theo quy định tại Điều 271”, quy định này thể hiện sự thống nhất trong việc nhận thức từng vị trí, vai trò của mỗi chủ thể tại phiên tòa phúc thẩm, đồng thời cũng giúp hội đồng xét xử có thể theo dõi diễn biến vụ án một cách thuận tiện và hợp lý.
– Phạm vi tranh luận là “những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm”, nghĩa là những vấn đề có kháng cáo kháng nghị hoặc có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo kháng nghị.
– Thứ tự tranh luận:
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo.
+ Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến.
– Viện kiểm sát trình bày về nội dungkháng nghị và các căn cứ kháng nghị trong trường hợp không có bất kỳ kháng cáo nào từ phía các đương sự.
4. Nghị án và tuyên án
4.1. Nghị án
Theo Điều 236 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, việc nghị án được tiến hành như sau:
+ Hội đồng xét xử nghị án tại phòng riêng. Chỉ có các thành viên Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án, nhằm bảo đảm nguyên tắc bí mật cho các quyết định củahội đồng xét xử.
+ Khi nghị án, chủ tọa phiên tòa nêu từng vấn đề để hội đồng xét xử thảo luận và quyết định. Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án cấp phúc thẩm bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề. Người có ý kiến thiểu số được quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
+ Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc hỏi tại phiên tòa và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, kiểm sát viên để quyết định giải quyết vụ án.
+ Phải có biên bản nghị án ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định củahội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được các thành viên của hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
+ Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài thì hội đồng xét xử có thể quyết định thời gian nghị án, nhưng không quá năm ngày làm việc, kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa, đảm bảo nguyên tắc xét xử liên tục, phát huy tối đa trách nhiệm của các thành viên hội đồng xét xử trong việc giải quyết vụ án, tránh việc tạm ngừng tuyên án kéo dài.
Trong quá trình nghị án mà thấy chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ thì hội đồng xét xử vẫn cho dừng việc nghị án và tiến hành xét hỏi và tranh luận lại. Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 237 Bộ luật tố tụng dân sự 2004).
>>> Luật sư
4.2. Tuyên án
Sau khi bản án được thông qua, hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án. Thủ tục tuyên án quy định tại Điều 239 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được thực hiện như sau:
+ Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng đậy, trừ trường hợp đặc biệt được phép của chủ tọa phiên tòa;
+ Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của hội đồng xét xử đứng dậy đọc nguyên văn bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo. Trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết.