Bảo lãnh là một trong những điều kiện trước khi chủ đầu tư thực hiện giao dịch bán nhà ở hình thành trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn thủ tục thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai?
- 2 2. Hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
- 3 3. Nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
- 4 4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
- 5 5. Mẫu đơn đề nghị bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
1. Thế nào là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai?
Giữa ngân hàng và chủ đầu tư phải lập văn bản với các thỏa thuận về phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh. Hợp đồng bảo lãnh này sẽ có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua. Theo quy định, thư bảo lãnh sẽ có hiệu lực tính từ thời điểm phát hành thư bảo lãnh cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết được quy định trong hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư và người mua.
Khi thực hiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, phía bên chủ đầu tư phải làm thủ tục để ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính với khách hàng nếu như chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng mua bán với khách hàng.
Khi thực hiện ký hợp đồng mua bán với khách hàng, chủ đầu tư phải gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua.
(căn cứ Điều 56
2. Hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
2.1. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
Hồ sơ đề nghị bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai gồm:
– Đề nghị bảo lãnh.
– Tài liệu về nghĩa vụ được bảo lãnh.
– Thông tin tài liệu về khách hàng.
– Thông tin về biện pháp bảo đảm (nếu có).
– Các tài liệu khác (nếu có).
(căn cứ khoản 1 Điều 14 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN).
2.2. Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN, trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau:
Bước 1: Xem xét đề nghị:
– Ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng có đề nghị.
Bước 2: Ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
– Sau khi xem xét xong, Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Bước 3: Chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho ngân hàng thương mại để đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho bên mua sau khi thực hiện ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Trong hợp đồng có quy định rõ về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
Bước 4: Phát hành thư bảo lãnh:
Căn cứ vào hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư và khách mua, ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh và gửi cho từng bên mua hoặc gửi chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua theo thỏa thuận.
3. Nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
Theo quy định, hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai phải có các nội dung như sau:
– Khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở thì ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.
– Sau khi ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh, giữa chủ đầu tư và ngân hàng thương mại phải có sự thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về việc ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua.
– Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
– Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng thương mại để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.
– Pháp luật áp dụng.
Lưu ý: Nếu như hợp đồng các bên không có sự thỏa thuận rõ ràng áp dụng pháp luật nào giải quyết thì sẽ được hiểu chung là áp dụng pháp luật Việt Nam.
– Đầy đủ thông tin của các bên trong quan hệ bảo lãnh.
– Nghĩa vụ được bảo lãnh.
– Số tiền bảo lãnh.
– Đồng tiền bảo lãnh.
– Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh.
– Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
– Quyền và nghĩa vụ của các bên.
– Số hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh.
– Phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.
– Trường hợp nếu như bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì phải có kèm thêm nội dung sau:
+ Phí bảo lãnh.
+ Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay.
+ Lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay.
+ Nghĩa vụ hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của ngân hàng:
* Về quyền:
– nếu hợp đồng mua, thuê mua nhà ở chưa phù hợp với quy định của pháp luật thì ngân hàng có quyền được từ chối việc phát hành thư bảo lãnh.
– đối với số tiền không thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc số tiền bên mua nộp vượt quá tỷ lệ quy định hay trường hợp bên mua có yêu cầu nhưng không đưa ra được thư bảo lãnh ngân hàng thương mại đã phát hành cho người thụ hưởng là bên mua thì ngân hàng được quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.
* Về nghĩa vụ:
– Khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hợp lệ trước thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở thì phải thực hiện phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư hoặc bên mua.
– ngân hàng thương mại phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của ngân hàng thương mại đồng thời thông báo chi cơ quan quản lý cấp tỉnh trong trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn.
Lưu ý: việc thông báo này phải được thực hiện chậm nhất là vào ngày làm việc tiếp theo sau khi chấm dứt hợp đồng. Nội dung thông báo phải nêu rõ sau thời điểm ngân hàng thương mại chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư ngân hàng thương mại không tiếp tục phát hành thư bảo lãnh cho bên mua ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư.
Trường hợp ngân hàng đã phát hành thư bảo lãnh cho bên mua trước đó thì vẫn sẽ thực hiện đúng cam kết.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư:
* Về quyền:
– Trong thời hạn hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực thì được quyền yêu cầu ngân hàng thực hiện phát hành thư bảo lãnh cho mọi khách hàng thuộc dự án nhà ở hình thành trong tương lai .
* Về nghĩa vụ:
– Sau khi nhận được từ ngân hàng thương mại sẽ phải gửi thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.
– Chủ đầu tư thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của chủ đầu tư (nếu có) và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nếu như ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh.
– Kể từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực thì phải thông báo chính xác cho ngân hàng thương mại số tiền đã nhận ứng trước của từng bên mua.
Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của bên mua:
* Về quyền:
– Được nhận thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành.
– Được quyền yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi phát sinh.
5. Mẫu đơn đề nghị bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – tự do – Hạnh phúc
————————–
……………, ngày ….. tháng …….. năm ……
ĐỀ NGHỊ BẢO LÃNH
Kính gửi: Ngân hàng………….
1. Tên đơn vị:………….
2. Địa chỉ: …………Tel …………..
3. Đăng ký kinh doanh số …………..do…………cấp ngày……/……./……
4. Ngành nghề kinh doanh: …………..
5. Người đại diện:…………. Chức vụ:…………..
6. Số hiệu tài khoản tiền gửi bằng VNĐ…………..mở tại……………
Số hiệu tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ ………….. mở tại………….
Đề nghị được Ngân Hàng bảo lãnh.
– Loại bảo lãnh: ………….
– Mục đích bảo lãnh:………….
– Bên nhận bảo lãnh:………….
– Trị giá bảo lãnh: …………..
– Thời hạn bảo lãnh:…………ngày/tháng từ ngày ……/…../……đến hết ngày …../……/…….
– Phí bảo lãnh: ………….
– Hình thức đảm bảo cho bảo lãnh: ……………
+ Ký quỹ:…………VND tương đương ……. % giá trị thư bảo lãnh
+ Giá trị tài sản đảm bảo: …………..
– Các tài liệu đính kèm gồm:
+ ………….
+ ………….
Chúng tôi cam kết chấp hành đầy đủ những quy định trong Quy chế bảo lãnh ngân hàng, ban hành kèm theo quyết định số 283/2000/QĐ-NHNN14 ngày 25/08/2000 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước và các quy định của …….. Nếu có yêu cầu khiếu nại gì về việc chúng tôi vi phạm quy chế thanh toán; Ngân hàng được quyền trích số tiền tại tài khoản của đơn vị chúng tôi để thanh toán. Trường hợp Ngân hàng phải ứng tiền thanh toán, đơn vị chúng tôi xin chịu lãi suất phạt theo quy chế tín dụng của ngân hàng kể từ ngày thanh toán.
ĐẠI DIỆN CÔNG TY GIÁM ĐỐC (hoặc người được ủy quyền hợp pháp) |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
– Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-VPQH Luật kinh doanh bất động sản.
– Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản.