Địa chỉ hộ kinh doanh là nơi trực tiếp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh đó, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, hộ kinh doanh có nhu cầu được thay đổi địa chỉ để thuận lợi cho quá trình quản lý điều hành. Vậy thủ tục thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh sẽ được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh như thế nào?
Chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình (trong trường hợp các thành viên hộ gia đình thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh) có nhu cầu chuyển địa chỉ hộ kinh doanh để phù hợp với mục đích hoạt động, nhu cầu hoạt động hoặc hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh đã hết thời hạn trên thực tế, thì hộ kinh doanh sẽ cần phải thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ kinh doanh mới. Tuy nhiên, tùy thuộc vào việc hộ kinh doanh chuyển địa chỉ trong cùng phạm vi quận/huyện hay khác phạm vi quận/huyện để có thể thực hiện thủ tục đơn giản và thuận lợi nhất. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh trong trường hợp này là cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan thuế có liên quan. Khi thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh, chủ hộ cần phải thực hiện các giai đoạn sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục đóng mã số thuế của hộ kinh doanh. Để có thể đóng mã số thuế kinh doanh của hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cần phải thực hiện nhiều giai đoạn khác nhau. Đầu tiên, chủ hộ kinh doanh cần phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế cũng như nghĩa vụ đối với người lao động và các chủ nợ khác có liên quan, sau đó chủ hộ kinh doanh cần phải nộp hồ sơ đóng mã số thuế hộ kinh doanh lên cơ quan có thẩm quyền đó là Chi cục thuế quản lý cấp quận, huyện. Thành phần hồ sơ yêu cầu đóng mã số thuế của hộ kinh doanh sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau: Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế hộ kinh doanh theo mẫu do pháp luật quy định, giấy chứng nhận đăng ký thuế hộ kinh doanh được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh. Theo đó, hồ sơ sẽ được gửi cho cơ quan thuế, cơ quan thuế xử lý trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, cán bộ thuế sẽ ra thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của hộ kinh doanh, sau đó cấp văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế cho hộ kinh doanh.
Bước 2: Thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh tại địa chỉ cũ, giai đoạn này sẽ được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện. Sau khi đã hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế của hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cần phải nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã cấp giấy phép hoạt động cho hộ kinh doanh đó. Thành phần hồ sơ chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản như sau: Thông báo về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh theo mẫu do pháp luật quy định, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, thông báo xác nhận hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế do các cơ quan thuế cung cấp, thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu do pháp luật quy định, biên bản họp của các thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh tại địa chỉ cũ. Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ, nộp hồ sơ tới Ủy ban nhân dân cấp huyện. Sau khi nhận hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, sau đó ra thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh đó trên địa bàn mà mình quản lý.
Bước 3: Thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh tại địa chỉ mới. Chủ hộ và các thành viên hộ gia đình trong hộ kinh doanh sẽ thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động hộ kinh doanh tại địa chỉ mới.
2. Những lưu ý khi làm thủ tục thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh:
Thủ tục thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính này không hề đơn giản. Khi tiến hành thủ tục thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh thì cần phải lưu ý một số vấn đề cơ bản sau:
– Chủ hộ kinh doanh cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính nếu được có cơ quan thuế và cơ quan có thẩm quyền khác yêu cầu;
– Chủ hộ kinh doanh cần phải thực hiện hoạt động đăng ký thay đổi nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày có sự thay đổi địa chỉ của hộ kinh doanh;
– Nếu không đăng ký chuyển trụ sở, hộ kinh doanh đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Trong quá trình thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh, hộ kinh doanh cũng cần phải tuân thủ đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp luật đã quy định cho hộ kinh doanh đó.
3. Mức xử phạt hộ kinh doanh thay đổi địa chỉ nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh:
Khi có sự thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh, bắt buộc phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Hộ kinh doanh thay đổi địa chỉ nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt. Căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh. Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Có hành vi không thông báo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
– Thay đổi chủ hộ kinh doanh tuy nhiên không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã thực hiện thủ tục đăng ký;
– Có hành vi tạm ngưng hoạt động kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền tuy nhiên không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã thực hiện thủ tục đăng ký;
– Chuyển địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh tuy nhiên không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện;
– Có hành vi chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, tuy nhiên không thực hiện thủ tục thông báo tại cơ quan có thẩm quyền, hoặc không nộp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện khi được yêu cầu;
– Thay đổi ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh tuy nhiên không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
– Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau tuy nhiên không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi đặt trụ sở của hộ kinh doanh, không thông báo cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường.
Theo đó thì có thể nói, mức xử phạt nêu trên là mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm, trong trường hợp cá nhân vi phạm thì sẽ được xác định bằng một phần hai (1/2) mức phạt tiền đối với tổ chức trong cùng một hành vi vi phạm. Theo đó, hộ kinh doanh có sự thay đổi địa chỉ tuy nhiên không thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh thì có thể bị phạt tiền với mức tối đa là 10.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Kế toán do Văn phòng Quốc hội ban hành;
– Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
THAM KHẢO THÊM: