Theo quy định, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất khu công nghiệp và khu kinh tế. Vậy thủ tục thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất?
- 2 2. Thủ tục thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất theo hình thức xuất khẩu ra nước ngoài:
- 3 3. Thủ tục thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất theo hình thức bán, biếu, tặng tại thị trường Việt Nam:
- 4 4. Một số quy định khác áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất:
1. Thế nào là tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất?
Căn cứ khoản 20, 21 Điều 2 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chế xuất được hiểu là doanh nghiệp có hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, hoạt động chế xuất chính là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.
Theo quy định hiện nay, tài sản cố định thường sẽ gồm các điều kiện sau:
– Phải thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ chính việc sử dụng tài sản đó.
– Thời gian sử dụng đảm bảo trên 01 năm.
– Nguyên giá tài sản được xác định một cách tin cậy và giá trị phải có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên.
2. Thủ tục thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất theo hình thức xuất khẩu ra nước ngoài:
Quy trình thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Công văn xin thanh lý.
– Hợp đồng mua bán.
– Tờ khai nhập khẩu nguồn gốc (nếu có).
– Biên bản giám định bị hư hỏng (nếu có).
– Bảng trích khấu hao (nếu có).
Bước 2: Thực hiện thủ tục thanh lý tài sản cố định:
– Doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng, kê khai theo quy định (lưu ý không phải nộp thuế).
– Tiến hành mở tờ khai theo loại hình B11 (doanh nghiệp không chịu thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng).
3. Thủ tục thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp chế xuất theo hình thức bán, biếu, tặng tại thị trường Việt Nam:
Theo quy trình này, doanh nghiệp chế xuất sẽ được lựa chọn thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 79; hoặc Điều 86 Thông tư số
(1) Thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 79 Thông tư số
– Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng (căn cứ Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC).
– Tiến hành mở tờ khai theo loại hình A42.
– Thực hiện nộp các loại thuế: nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,..
– Khi thực hiện bán ra thị trường nội địa: doanh nghiệp chế xuất liên hệ với cơ quan thuế nội địa để cơ quan thuế nội địa cấp hóa đơn giá trị gia tăng lẻ, doanh nghiệp chế xuất dùng hóa đơn này để bán tài sản cố định vào nội địa. Lưu ý số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động thanh lý tài sản cố định này xác định bằng số thuế giá trị gia tăng được ghi nhận trên hóa đơn bán lẻ thanh lý tài sản cố định sau đó trừ đi với số thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng.
– Sau khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng: thực hiện việc bán, cho, biếu, tặng tại thị trường Việt Nam; doanh nghiệp chế xuất không cần thực hiện thủ tục hải quan.
– Nếu doanh nghiệp chế xuất muốn tiêu hủy tài sản thì tiến hành thủ tục theo quy định.
(2) Thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC:
– Thực hiện theo quy trình này, doanh nghiệp chế xuất không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.
– Doanh nghiệp chế xuất thực hiện xuất hóa đơn cho khu phi thuế quan (theo mẫu).
– Doanh nghiệp chế xuất thực hiện mở tờ khai xuất khẩu (theo loại hình B13).
– Doanh nghiệp nội địa thực hiện mở tờ khai nhập khẩu (theo loại hình A12).
– Doanh nghiệp áp dụng chính sách quản lý mặt hàng tại thời điểm mở tờ khai A12 nếu như vào thời điểm tờ khai nhập khẩu ban đầu chưa thực hiện.
4. Một số quy định khác áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất:
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định khu vực hoạt động của doanh nghiệp chế xuất như sau:
– Có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghiệp.
– Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng:
+ Hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào.
+ Phải bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định.
Doanh nghiệp chế xuất sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan tính từ thời điểm mục tiêu đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất thể hiện trong các văn bản gồm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.
Trước khi chính thức đi vào hoạt động, doanh nghiệp chế xuất phải được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sau khi hoàn thành xây dựng.
Doanh nghiệp chế xuất sẽ không được hưởng chính sách thuế áp dụng đối với khu phi thuế quan nếu như không được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.
Đồng thời, căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chế xuất được xếp vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư. Do đó, doanh nghiệp chế xuất sẽ được một số ưu đãi thuế như sau:
+ Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn sẽ được áp dụng thuế suất với ưu đãi là 20% trong vòng 10 năm.
+ Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế xuất sẽ được miễn tiền thuế là 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới.
+ Ưu đãi tiền sử dụng đất: miễn tiền thuê đất 7 năm đối với doanh nghiệp chế xuất.
+ Ưu đãi thuế xuất nhập khẩu:
Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác thì không phải là đối tượng chịu thuế.
Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất xác định trên địa điểm làm thủ tục nhập khẩu; thủ tục xuất khẩu, theo đó:
+ Địa điểm làm thủ tục nhập khẩu:
Hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa là máy móc, thiết bị tạm nhập để phục vụ sản xuất, xây dựng nhà xưởng; hàng hóa bảo hành, sửa chữa làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất.
+ Địa điểm làm thủ tục xuất khẩu:
Hàng hóa là sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa là máy móc, thiết bị tái xuất sau khi đã tạm nhập để phục vụ sản xuất, xây dựng nhà xưởng doanh nghiệp chế xuất được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan thuận tiện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư.
Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư số
Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của bộ trưởng bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư số