Thủ tục thanh lý hàng tồn kho? Như thế nào gọi là hàng tồn kho của doanh nghiệp? Giá thanh lý hàng tồn kho? Phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho xuất trong kỳ?
Các doanh nghiệp thường thực hiện kiểm kê hàng hóa vào dịp cuối năm để đánh giá được chất lượng và giá trị thuần có thể thu hồi được. .Việc thanh lý hàng tồn kho cần phải tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, và được tiến hành cần thận đối với hàng hóa tồn kho. Vậy thủ tục thanh lý hàng tồn kho như thế nào? Giá thanh lý hàng tồn kho?
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Như thế nào gọi là hàng tồn kho của doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì hàng tồn kho của doanh nghiệp là những tài sản được mua vào để sản xuất hoặc để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường, gồm có:
– Hàng mua đang đi trên đường;
– Nguyên liệu, vật liệu;
– Công cụ, dụng cụ;
– Sản phẩm dở dang;
– Thành phẩm;
– Hàng hóa;
– Hàng gửi bán.
Đối với những hàng hóa là các loại sản phẩm, hàng hóa, vật tư, tài sản nhận giữ hộ, nhận ký gửi, nhận ủy thác xuất nhập khẩu, nhận gia công… không thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của doanh nghiệp thì không được phản ánh là hàng tồn kho trên Bảng cân đối kế toán.
2. Thủ tục thanh lý hàng tồn kho:
Bước 1: Trưởng đơn vị quản lý trực tiếp hàng hóa tồn kho tiến hành thanh lý hàng hóa trong kho kèm theo Giấy đề nghị công ty tiến hành thanh lý. Những nội dung cơ bản trong giấy đề nghị thanh lý hàng hóa tồn kho gồm có:
– Tên hàng hóa cần thanh lý;
– Số lượng cụ thể cần thanh lý với mỗi loại hàng hóa đã được ban lãnh đạo Công ty xem xét;
– Chất lượng hàng hóa tại thời điểm kiểm kê;
– Lý do thanh lý hàng hóa tồn kho.
Khi trưởng đơn vị quản lý trực tiếp hàng hóa tồn kho gửi lên Công ty để đề nghị Công ty tiến hành thanh lý số lượng hàng hóa tồn trong kho thì tùy vào cơ cấu, phân công quản lý của từng doanh nghiệp xem xét có cần gửi kèm giấy đề nghị thanh lý hàng tồn kho trong bộ văn bản thanh lý hàng tồn kho hay không.
Bước 2: Công ty tiến hành họp thành lập hội đồng thanh lý hàng tồn kho và lập biên bản họp với nội dung gồm:
– Thẩm định và định giá hàng hóa tồn kho thực tế;
– Đề xuất và chỉ ra phương án thanh lý hàng hóa tồn kho;
Quyết định của cuộc họp hội đồng thanh lý để xem xét thực trạng hàng tồn kho có thực sự có cần phải thanh lý không.
Bước 3: Đối với hàng hóa cần phải thanh lý thì ra quyết định thành lập Hội đồng thanh lý Nội dung của quyết định phải đáp ứng các vấn đề cơ bản như sau:
– Những người tham gia Hội đồng thanh lý hàng hóa;
– Người chịu trách nhiệm quyết định thanh lý hàng hóa;
– Trách nhiệm của những người liên quan đến việc thực hiện thanh lý hàng hóa.
Bước 4: Hội đồng thanh lý tiến hành xác minh hàng cần thanh lý và lập biên bản xác nhận hiện trạng tài sản tồn kho về chủng loại, số lượng, chất lượng của hàng tồn kho. Biên bản có nội dung cơ bản: Ngày, tháng lập biên bản; những người trong hội đồng thanh lý tài sản; hàng hóa được kiểm kê có tên gọi, số lượng, chất lượng thực tế như thế nào. Từ đó, hội đồng thanh lý hàng tồn kho sẽ xác minh thực tế hàng tồn và xác nhận hiện trạng hàng tồn cần thanh lý.
Bước 5: Hội đồng thẩm định lập Biên bản thẩm định hàng hóa để xác nhận hiện trạng hàng hóa cần thanh lý, phương thức thanh lý, giá trị hàng tồn thanh lý, … để trình lên chủ tịch Hội đồng thành viên/ Giám đốc xem xét và quyết định các phương án thanh lý.
Bước 6: Hội đồng quản trị/ Giám đốc quyết định phê duyệt phương án thanh lý hàng tồn kho, hoàn tất thủ tục thanh lý hàng tồn kho.
Bước 7: Những mặt hàng tồn kho có giá trị lớn thì trước khi quyết định thanh lý cần phải đưa Đại hội cổ đông quyết định
3. Giá thanh lý hàng tồn kho:
Khi xác định giá gốc hàng tồn kho, phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, xác định giá trị thuần có thể thực hiện được, lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi nhận chi phí thì kế toán hàng tồn kho phải được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”.
*Giá trị hàng tồn kho không được hoàn các loại thuế sau: Thuế GTGT đầu vào của hàng tồn kho không được khấu trừ, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải nộp khi mua hàng tồn kho.
-Các khoản chiết khấu sau khi mua hàng tồn kho đã được giảm, khẩu trừ chi phí thương mại thì phải được phân bổ cho số hàng tồn kho trong kho, hàng đã bán, đã sử dụng cho sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản để hạch toán cho phù hợp, cụ thể:
+ Ghi giảm giá trị hàng tồn kho với hàng còn tồn trong kho;
+ Ghi giảm giá vốn hàng bán với hàng tồn kho đã bán;
+ Ghi giảm giá chi phí xây dựng cơ bản với hàng tồn kho đã sử dụng cho hoạt động xây dựng cơ bản;
– Các khoản chiết khấu khi mua hàng tồn kho được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính.
* Giá gốc của hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan được ghi nhận và phù hợp với bản chất giao dịch. Đối với những hàng tồn dùng để khuyến mại, quảng cáo thì giá thanh lý được tính:
+ Với hàng tồn kho sản xuất để quảng cáo, khuyến mại mà không thu tiền, không có điều kiện khác kèm theo khi mua hàng thì ghi nhận giá trị hàng tồn kho vào chi phí bán hàng;
+ Với hàng tồn kho sản xuất để khuyến mại, quảng cáo mà có kèm theo điều kiện khi mua hàng thì phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn thực chất của việc khuyến mại, quảng cáo này là giảm giá hàng bán.
+ Với trường hợp hàng tồn kho dùng làm quà tặng cho người lao động hay sử dụng để khen thưởng thì ghi giảm quỹ khen thưởng, phúc lợi; với hàng tồn để trả lương cho người lao động thì ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường.
+ Khi bán hàng tồn kho cho khách hàng thì khoản chiết khấu thanh toán được hạch toán vào chi phí tài chính.
4. Phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho xuất trong kỳ:
Doanh nghiệp khi xác định giá trị hàng tồn kho thường áp dụng 03 phương pháp theo quy định tại Khoản 8 Điều 22 Thông tư 133/2016/TT-BTC, cụ thể:
– Phương pháp tính theo giá đích danh: Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng dựa trên giá trị thực tế của từng thứ sản phẩm sản xuất ra, từng lần nhập hàng hóa mua vào nên phương pháp này chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và giá nhập của từng lô hàng tồn kho được nhận diện một cách chi tiết .
– Phương pháp bình quân gia quyền: giá trị của từng loại hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mà giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho có thể được tính theo từng kỳ hoặc sau từng lô hàng nhập về.
– Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO): giá trị hàng tồn kho dựa trên phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng trên nguyên tắc giả định là được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước và giá trị hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Giá trị hàng xuất kho theo phương pháp này được tính ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ theo giá của lô hàng nhập kho, giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.
Đối với mỗi phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho sẽ có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tùy thuộc vào yêu cầu quản lý, trình độ, năng lực nghiệp vụ và trình độ trang bị công cụ tính toán, phương tiện xử lý thông tin của doanh nghiệp mà mức độ xác định giá trị hàng tồn kho chính xác và độ tin cậy của mỗi phương pháp sẽ khác nhau. Đồng thời ở mỗi phương pháp tính cùng tùy thuộc vào yêu cầu bảo quản, quy cách tính phức tạp về chủng loại và sự biến động của vật tư, hàng hóa ở doanh nghiệp đó.
Đối với trường hợp doanh nghiệp ứng trước tiền cho người bán thì phần giá trị hàng tồn kho được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước tương ứng với số tiền ứng trước, phần giá trị hàng tồn kho tại thời điểm ghi nhận hàng tồn kho tương ứng với số tiền còn lại được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế.