Hiện nay, nhu cầu mở văn phòng đại diện quảng cáo tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ thủ tục thành lập VPĐD doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam?
- 2 2. Thủ tục thành lập Văn phòng đại diện doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài:
- 3 3. Trường hợp nào không được cấp Giấy phép Văn phòng đại diện?
- 4 3. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài:
- 5 4. Giấy phép văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài bị thu hồi trong trường hợp nào?
1. Thế nào là văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 41 Văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH 2018 Luật quảng cáo quy định về văn phòng đại đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam:
Thứ nhất, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài hoàn toàn được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Thứ hai, chỉ khi có giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng đại diện thì văn phòng đại diện mới được hoạt động.
Thứ ba, văn phòng đại diện chỉ được hoạt động với mục đích là xúc tiến quảng cáo, tuyệt đối không được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
2. Thủ tục thành lập Văn phòng đại diện doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 603/VBHN-BVHTTDL 2019 quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập Văn phòng đại diện doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện do người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài ký.
– Giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương của doanh nghiệp nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi doanh nghiệp thành lập hoặc đăng ký kinh doanh xác nhận (bản sao).
Lưu ý: Giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương phải được dịch ra tiếng Việt và phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
– Báo cáo tài chính có kiểm toán; hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.
Lưu ý: Báo cáo tài chính hoặc tài liệu khác này phải được dịch ra tiếng Việt và phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài sẽ nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng đại diện.
Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra:
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và gửi bản sao giấy phép đó đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vòng 10 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, đầy đủ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ.
Lưu ý: Văn phòng đại diện sẽ phải được hoạt động và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thời điểm bắt đầu hoạt động, địa điểm đặt trụ sở, số người Việt Nam, số người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện, nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện trong vòng 45 ngày tính từ ngày được cấp Giấy phép.
3. Trường hợp nào không được cấp Giấy phép Văn phòng đại diện?
Theo quy định tại Điều 21 Văn bản hợp nhất số 603/VBHN-BVHTTDL 2019, các trường hợp sau sẽ không được cấp Giấy phép văn phòng đại diện:
(1) Khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước bổ sung hồ sơ nhưng không thực hiện việc bổ sung hồ sơ.
(2) Có bằng chứng về việc thành lập Văn phòng đại diện gây phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
(3) Các trường hợp khác trên cơ sở quy định của pháp luật.
3. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO NƯỚC NGOÀI
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố…………..
Tên doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài: (ghi bằng chữ in hoa, tên trên Giấy phép thành lập/đăng ký kinh doanh):…………
Tên doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài viết tắt (nếu có):……….
Địa chỉ trụ sở chính: (địa chỉ trên Giấy phép thành lập/đăng ký kinh doanh):………
Giấy phép thành lập/đăng ký kinh doanh số:………
Do:……….cấp ngày…..tháng……năm….tại……….
Vốn điều lệ:…….
Số tài khoản:…….. tại Ngân hàng:……
Điện thoại:……….. Fax: ………
Email:……….. Website: (nếu có)…….
Đại diện theo pháp luật: (đại diện có thẩm quyền)
Họ và tên:………..
Chức vụ:…………
Quốc tịch:…………
Đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam với nội dung cụ thể như sau:
Tên Văn phòng đại diện: ………..
Tên viết tắt: (nếu có)…………….
Tên giao dịch bằng tiếng Anh: …………
Địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện: (ghi rõ số nhà, đường/phố, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố)………….
Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện: (nêu cụ thể lĩnh vực hoạt động)…………
Người đứng đầu Văn phòng đại diện (nếu người đứng đầu là công dân Việt Nam)
– Họ và tên:………
– Số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân:………..
– Ngày tháng năm sinh:…………
Người đứng đầu Văn phòng đại diện (nếu người đứng đầu là người nước ngoài)
– Họ và tên:…………
– Giới tính:……………
– Quốc tịch:………..
– Số hộ chiếu:…………
– Do:………..cấp ngày…..tháng……năm…. tại……….
Chúng tôi xin cam kết:
1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung đơn đề nghị và hồ sơ kèm theo.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Tài liệu gửi kèm bao gồm: Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 20 của
| …., ngày …….. tháng …….. năm …….. |
4. Giấy phép văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài bị thu hồi trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 24 Văn bản hợp nhất số 603/VBHN-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo quy định giấy phép văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài bị thu hồi khi:
– Văn phòng đại diện hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong Giấy phép.
– Văn phòng đại diện tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
– Không thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động của Văn phòng đại diện trong 2 năm liên tiếp.
– Văn phòng đại diện không hoạt động trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
– Văn phòng đại diện không thực hiện gửi báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày có yêu cầu bằng văn bản.
Ngoài ra, văn phòng đại diện sẽ bị chấm dứt hoạt động khi:
– Giấy phép thành lập của Văn phòng đại diện bị thu hồi.
– Theo đề nghị của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài có Văn phòng đại diện tại Việt Nam và được cơ quan cấp Giấy phép thành lập chấp thuận.
– Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của nước nơi doanh nghiệp đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH Luật quảng cáo.
Văn bản hợp nhất số 603/VBHN-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo.
Thông tư số
Thông tư số 13/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến giấy tờ công dân tại một số thông tư do bộ trưởng bộ văn hóa, thể thao và du lịch ban hành.