Thủ tục thành lập cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng. Điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng.
Thủ tục thành lập cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng. Điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật Sư: Hiện nay tôi đang chuẩn bị hồ sơ để có thể kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng tại Việt Nam, nhập khẩu từ Úc. Vậy xin vui lòng hướng dẫn giấy tờ liên quan để tôi chuẩn bị.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật an toàn thực phẩm 2010;
2. Luật sư tư vấn:
Để được cấp giấy phép kinh doanh liên quan đến kinh doanh thực phẩm chức năng, bạn cần thực hiện các thủ thục sau.
Trước hết, bạn cần phải làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bạn có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay như: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, Doanh nghiệp tư nhân, Hộ kinh doanh cá thể. Bạn tham khảo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP để biết thêm về thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, bạn cần làm hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo Thông tư 26/2012/TT-BYT, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu 1 được ban hành kèm theo Thông tư này).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:
+ Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;
+ Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
– Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở).
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).
Cục An toàn thực phẩm là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trong trường hợp này.
Thứ ba, Sản phẩm thực phẩm chức năng phải được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm 2010 và Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng. Hồ sơ gồm có:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).
– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).
– Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).
* Đối với sản phẩm nhập khẩu (trừ thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng), chưa có quy chuẩn kỹ thuật gồm:
– Bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, được quy định tại Mẫu số 02 (Ban hành kèm theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012);
– Bản thông tin chi tiết về sản phẩm, được quy định tại Mẫu số 03a hoặc Mẫu số 03c (Ban hành kèm theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012);
– Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an toàn, do các đối tượng sau cấp: Phòng kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận (bản gốc hoặc bản sao có công chứng); hoặc Phòng kiểm nghiệm của nước xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thừa nhận (bản gốc hoặc bản sao có công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự).
– Kế hoạch giám sát định kỳ (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
– Mẫu nhãn sản phẩm lưu hành tại nước xuất xứ và nhãn phụ bằng tiếng Việt (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
– Mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đối với sản phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam để đối chiếu khi nộp hồ sơ;
– Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nhập khẩu thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
– Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).
Ngoài ra, Các lô hàng thực phẩm chức năng nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp Thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu (theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm 2010).