Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức hiện nay đang rất phổ biến và có nhiều tiềm năng kinh tế trong và ngoài nước. Bài viết dưới đay cung cấp đến quý bạn đọc thủ tục thành lập công ty dịch vụ vận tải đa phương thức theo quy định hiện hành.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện thành lập công ty dịch vụ đa phương thức:
Vận tải đa phương thức được hiểu là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức với mục đích để nhằm tối ưu hóa quá trình vận chuyển, tăng hiệu suất và giảm chi phí khi giao hàng.
Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức là một trong những ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện kinh doanh cũng được áp dụng theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại quốc tế. Theo đó, điều kiện phải đáp ứng như sau:
Đối với kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế phải có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện gồm:
+ Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức. Hoặc phải có bảo lãnh tương đương.
+ Tài sản tối thiểu phải duy trì ở mức tương đương 800 USD (hoặc phải có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính).
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức phải đáp ứng:
+ Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức. Hoặc phải có bảo lãnh tương đương.
+ Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế; hoặc phải có giấy tờ tương đương.
2. Thủ tục thành lập công ty dịch vụ đa phương thức:
(i) Đối với công ty 100% vốn Việt Nam:
Bước 1: Lựa chọn loại hình kinh doanh và ngành nghề kinh doanh:
Tùy thuộc vào quy mô sản xuất và nguồn vốn, người có nhu cầu tiến hành thành lập công ty dịch vụ đa phương thức với loại hình doanh nghiệp gồm:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên;
– Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên;
– Công ty cổ phần;
– Công ty hợp danh;
– Doanh nghiệp tư nhân.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty:
Hồ sơ thực hiện thủ tục thành lập công ty gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
– Bản sao hợp lệ giấy chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
– Đối với tổ chức cần Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (bản sao);
– Trường hợp có ủy quyền thì cần văn bản ủy quyền hợp pháp.
Nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức hoạt động kinh doanh dựa trên số vốn hiện có và khả năng kinh doanh để công việc kinh doanh diễn ra hiệu quả và thu về lợi nhuận cao.
Bước 3: Nộp hồ sơ:
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiến hành nộp hồ sơ qua các cách thức sau:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
– Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
Bước 4: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu:
Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện kiểm tra hồ sơ và trả kết quả trong thời gian 03 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ: cơ quan giải quyết sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: cơ quan giải quyết sẽ phải thông báo bằng văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện nộp lại theo quy trình trước đó.
Bước 5: Tiến hành công bố thông tin:
Sau khi hoàn thiện thủ tục và được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày doanh nghiệp sẽ tiến hành thông báo nội dung đăng kí doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Các bước sau đó để doanh nghiệp đi vào hoạt động đầy đủ cần thực hiện như sau:
– Khắc con dấu và công bố mẫu dấu.
– Treo biển tại trụ sở của công ty: Treo biển tại trụ sở chính công ty là một thủ tục bắt buộc đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
– Đăng ký tài khoản ngân hàng:
Việc mở tài khoản ngân hàng cho công ty kinh doanh vận tải đa phương thức sẽ do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tiến hành.
– Mua hóa đơn.
– Nộp phí, lệ phí môn bài theo quy định.
(ii) Đối với công ty có vốn nước ngoài:
Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư với dự án đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (tương tự đối với hồ sơ, thủ tục của mục (i)).
3. Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức:
Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó sau khi thành lập doanh nghiệp thì cá nhân, tổ chức phải tiến hành xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 144/2018/NĐ-CP, hồ sơ thủ tục xin Giấy phép kinh doanh bao gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu.
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương.
– Báo cáo tài chính được kiểm toán.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế (theo mẫu).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương (bản sao).
– Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam: Sau khi chuẩn bị hồ sơ như Bước 1 sẽ nộp hồ sơ tại Bộ Giao thông vận tải.
Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác trên cơ sở có quy định.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức: Sau khi chuẩn bị hồ sơ sẽ nộp tại Bộ Giao thông vận tải.
Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác trên cơ sở có quy định.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, trường hợp hồ sơ hợp lệ thì sẽ cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế cho doanh nghiệp. Thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do trong thời hạn là 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định số 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.