Niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự là gì? Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự?
Theo quy định của pháp luật, để đảm bảo cho quá trình cấp, tống đạt, niêm yết văn bản tố tụng được thuận lợi và linh hoạt thì có rất nhiều những phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trong đó có niêm yết công khai văn bản tố tụng. Ở mỗi cách thức cấp, tống đạt, niêm yết văn bản tố tục khác nhau thì sẽ có những trình tự, thủ tục tiến hành khác nhau. Vậy thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự được tiến hành như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự”.
– Cơ sở pháp lý:
1. Niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự là gì?
– Niêm yết công khai văn bản tố tụng là một trong những cách thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng mà pháp luật quy định, theo đó, việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Những văn bản tố tụng được cấp, tống đạt, thông báo bao gồm: Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, các văn bản tố tụng khác theo quy định của pháp luật sẽ được thông báo bằng cách niêm yết công khai theo quy định của pháp luật. Niêm yết công khai văn bản tố tụng là việc những người thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tiến hành niêm yết công khai những văn bản tố tụng theo quy định của pháp luật.
– Có thể thấy được thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là hoạt động do những người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thực hiện, và đây cũng là nghĩa vụ của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bao gồm nhiều cách thức khác nhau. Điều đó đảm bảo cho quá trình thực hiện cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng được tiến hành một cách linh hoạt, thuận tiện và chuyển đến được những chủ thể có liên quan một cách nhanh nhất thì pháp luật đã quy định có những phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng khác nhau. Theo đó, các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định đó là:
(1) Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo. Để đảm bảo thuận tiện cho việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ vào dựa những tiêu chí về khoảng cách địa lý hoặc những tiêu chí khác để áp dụng các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho hợp lý. Ví dụ: đối với những chủ thể trong danh sách được cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng mà ở gần hoặc có mặt trực tiếp thì sẽ tiến hành cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp; nếu ở xa thì có thể gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.
(2) Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đối với phương thức cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử thì ngày càng được áp dụng rộng rãi hơn, tuy nhiên khi áp dụng phương thức cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác thì phải được tiến hành theo đúng và phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử như: về nguyên tắc giao dịch điện tử, điều kiện thực hiện giao dịch điện tử,…
(3) Niêm yết công khai các văn bản tố tụng hoặc phương thức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối với hai phương thức này thì sẽ chỉ cần niêm yết, hoặc thông báo về nội dung của các văn bản tố tụng đó mà không cần phải thực hiện tiến hành đi cấp, tống đạt các văn bản tố tụng đó. Niêm yết công khai các văn bản tố tụng sẽ được áp dụng trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng trực tiếp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân( theo quy định tại Điều 177, Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
+ Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật tố tụng dân sự 2015( Các phương thức tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài).
– Xem xét về tính hợp lệ khi tiến hành thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thì những văn bản tố tụng được cấp, tống đạt, thông báo đó phải được xem xét về tính hợp lệ thông qua những khía cạnh sau:
+ Thứ nhất, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được coi là hợp lệ khi được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015( hợp lệ về trình tự, thủ tục, phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng).
+ Thứ hai, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được coi là hợp lệ khi người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện đúng theo nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định trong quá trình thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đến những chủ thể được nhận. Theo đó trong quá trình thực hiện nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng thì những người có nghĩa vụ thi hành các văn bản tố tụng đã được cấp, tống đạt, thông báo hợp lệ phải nghiêm chỉnh thi hành theo quy định của pháp luật.
– Người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng: pháp luật quy định những chủ thể sau tiến hành thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, đó là:
+ Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng. Theo đó, pháp luật quy định những người tiến hành tố tụng dân sự gồm có: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên…
+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu. Trong một số trường hợp, trong quá trình giải quyết cơ quan Tòa án phối hợp, làm việc với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự ( đương sự, người phiên dịch, người làm chứng, người giám định, người đại diện của đương sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan….) cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc thì người thực hiện tiến hành cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có thể là Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Trong một số trường hợp thì người thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có thể do đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của pháp luật.
+ Nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.
+ Người có chức năng tống đạt.
+ Những người khác mà pháp luật có quy định.
2. Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự.
– Tại Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng. Theo đó, niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng cho các các nhân, hoặc các tổ chức, cơ quan (theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Đó là những trường hợp:
+ Trường hợp 1: Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo đã chuyển đến nơi cư trú mới và không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng hoặc thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với những văn bản tố tụng đó.
+ Trường hợp 2: Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp này cũng áp dụng thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan tiến hành niêm yết công khai văn bản tố tụng : Tòa án trực tiếp thực hiện.
Trong một số trường hợp Toà án có thể ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện niêm yết công khai văn bản tố tụng, theo đó:
+ Bước 1: Niêm yết: Niêm yết bản chính văn bản tố tụng dân sự tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo. Niêm yết bản sao văn bản tố tụng dân sự tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo.
+ Bước 2: Lập biên bản: Sau khi tiến hành niêm yết bản chính và bản sao văn bản tố tụng tại các địa điểm cần niêm yết thì người tiến hành niêm yết sẽ phải lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
– Thời hạn niêm yết: Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.