Phòng cháy và chữa cháy luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm và chú ý trong mọi thời đại, nhất là thời gian gần đây kh diễn ra nhiều vụ hoả hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Liên quan đến vấn đề kiểm định trong hoạt động này, nhiều người thắc mắc rằng: Thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
Nhìn chung thì trình tự và thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy sẽ phải tiến hành theo các bước pháp luật đã quy định như sau:
Bước 1: Các chủ thể sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật, số lượng hồ sơ là 01 bộ, kèm theo các thành phần giấy tờ cơ bản sau đây:
– Văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện theo quy định của pháp luật, đó là mẫu số 01B, trong đó bảng thống kê phương tiện đề nghị kiểm định phải đóng dấu của cơ quan cũng như tổ chức đề nghị.
– Biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy theo mẫu số PC28 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, kèm theo phiếu trả kết quả thử nghiệm hoặc báo cáo kết quả thử nghiệm;
– Biên bản lấy mẫu phương tiện kiểm định theo quy định của pháp luật là mẫu số 07;
– Chứng nhận xuất xưởng của phương tiện (áp dụng đối với phương tiện sản xuất trong nước) hoặc giấy chứng nhận xuất xứ (áp dụng đối với phương tiện nhập khẩu); trong trường hợp mua bán qua nhiều đơn vị trung gian thì phải có các tài liệu thể hiện chuyển giao giữa các đơn vị đó;
– Chứng nhận chất lượng của phương tiện;
– Các tài liệu kỹ thuật của phương tiện đề nghị kiểm định, ngoài ra thì các tài liệu này phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức hoặc chữ ký của cá nhân đề nghị kiểm định.
Lưu ý rằng tất cả các giấy tờ có trong hồ sơ nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng chứng thực. Nếu như có bất kỳ giấy tờ nào được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được các chủ thể có thẩm quyền xác nhận. Các chủ thể tiến hành kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các loại văn bản đó. Các chủ thể có thể nộp hồ sơ qua nhiều cách khác nhau: Nộp trực tiếp tại bộ phận 1 cửa của cơ quan có thẩm quyền kiểm định, nộp trực tiếp qua Cổng dịch vụ công quốc gia …
Bước 2: Các chủ thể sẽ tiến hành nộp hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan có thẩm quyền đó là Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời khi tiến hành nộp hồ sơ nêu trên thì người nộp hồ sơ phải có các loại giấy tờ của các cơ quan nhà nước đề nghị tiến hành kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy kèm theo giấy tờ tùy thân của người đi nộp hồ sơ để đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Bước 3: Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy thì các cán bộ tiếp nhận, xem xét tính hợp pháp và hợp lệ của bộ hồ sơ, nếu thiếu hoặc sai sót thì phải hướng dẫn rồi nộp hồ sơ bổ sung và chỉnh sửa, ghi phiếu tiếp nhận để phân công công việc cho cán bộ thực hiện. Các cán bộ được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành thụ lý hồ sơ, thống nhất thời gian và cách thức bàn giao mẫu kiểm định, dự thảo thông báo phí kiểm định đối với các chủ thể đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy để họ nắm bắt được thời gian và trình tự thực hiện. Thời gian tiếp nhận hồ sơ là trong giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần (trừ ngày lễ và ngày nghỉ). Thông thường thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến thành kiểm định những nội dung cơ bản sau đây:
– Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
– Kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.
Bước 4: Theo giấy hẹn thì các chủ thể yêu cầu kiểm định sẽ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nhận giấy chứng nhận kiểm định về các phương tiện phòng cháy chữa cháy, thông thường sẽ nhận giấy chứng nhận kiểm định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Sau đó trả các khoản phí theo quy định của pháp luật.
2. Mức xử phạt đối với hành vi không kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
2.1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy:
Vi phạm pháp luật là hiện tượng xã hội và là những hành vi phản ứng tiêu cực của một số cá nhân hay tổ chức đi ngược lại với ý chí nhà nước được quy định trong pháp luật. Những hành vi có tính chất tiêu cực đó luôn gây hại cho nhà nước và xã hội cũng như nhân dân, do vậy chúng luôn bị nhà nước lên án và nhân dân đấu tranh đòi hỏi phải loại bỏ ra khỏi xã hội đời sống. Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện và xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Tình trạng vi phạm pháp luật trong xã hội rất đa dạng trong đó có lĩnh vực về phòng cháy chữa cháy. Do đó có thể đưa ra khái niệm: vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy là các hành vi trái với các quy định của các quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy và các quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy của nhà nước, khi sự vi phạm có các dấu hiệu pháp lý do pháp luật về phòng cháy chữa cháy quy định và sẽ bị nhà nước truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể đã thực hiện hành vi vi phạm đó. Nhìn chung thì vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy sẽ bao gồm các dấu hiệu pháp lý cơ bản sau đây:
– Hành vi của các chủ thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực về phòng cháy chữa cháy;
– Hành vi vi phạm phải là hành vi trái với quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy của nhà nước, tức là hành vi đó được quy định trong các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
– Hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy chỉ khi nào xác định được chủ thể thực hiện hành vi đó có lỗi;
– Hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy gây ra, tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với mọi hành vi vi phạm;
– Giữa hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy và hậu quả xảy ra phải có mối liên hệ nhân quả với nhau.
Theo đó có thể đưa ra khái niệm vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy như sau: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy là hành vi có lỗi do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy và không phải là tội phạm, và theo quy định của pháp luật thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
2.2. Mức xử phạt đối với hành vi không kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
Căn cứ theo Điều 44 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì, đối với hành vi không tuân thủ quy định về kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là một hành vi vi phạm pháp luật. Do đó sẽ phải bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật cụ thể đó là, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Không tuân thủ quy định về kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ theo quy định của pháp luật;
– Không bảo quản trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, chất chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
– Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đủ hoặc không đồng bộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
– Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
– Làm mất, làm hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện chữa cháy thông dụng, chất chữa cháy hoặc các dụng cụ thông tin liên lạc nhằm mục đích phục vụ cho quá trình thực hiện việc chữa cháy.
3. Thẩm quyền tiến hành thẩm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
Thứ nhất, đối với các phương tiện phòng cháy và chữa cháy như: Xe chữa cháy; xe cứu nạn, cứu hộ; xe thang chữa cháy; xe trạm bơm; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe hút khói; tàu, xuồng ca nô chữa cháy; máy nạp khí sạch… thì sẽ do cơ quan có thẩm quyền đó là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Thứ hai, đối với các phương tiện phòng cháy và chữa cháy như: tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, chuông báo cháy, đàn báo cháy, nút ấn báo cháy … sẽ do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Thứ ba, đối với loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được cấp phép kiểm định thì sẽ do đơn vị thuộc cơ quan Công an có đủ điều kiện, được Bộ Công an cho phép thực hiện công tác kiểm định; cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được phép thực hiện các hoạt động tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm định, lấy mẫu, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và lập biên bản kiểm định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.