Thủ tục khai sinh và xin cấp giấy khai sinh cho trẻ tại Việt Nam mới nhất. Thủ tục khai sinh trong một só trường hợp đặc biết như trẻ bị bỏ rơi, trẻ chưa xác định được cha mẹ...
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về thủ tục khai sinh và xin cấp giấy khai sinh cho trẻ tại Việt Nam theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật hành chính khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được cha mẹ, ông bà đăng ký khai sinh cho mình. Việc đăng ký này được công nhận và thể hiện thông qua giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên để các em bắt đầu được hưởng các quyền mà pháp luật quy định. Đăng ký khai sinh là thủ tục bắt buộc khi mỗi đứa trẻ được chào đời. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị chậm trễ, không kịp thời, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các em. Thấy được sự cần thiết của việc đăng ký khai sinh, chúng tôi gửi đến các bạn thủ tục khai sinh và xin cấp giấy khai sinh cho trẻ tại Việt Nam.
Điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm là phải đến đâu để đăng ký khai sinh cho con em của mình và ai là người có thẩm quyền đăng ký khai sinh?
Điều 13 Luật hộ tịch 2014 đã chỉ rõ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ.
Luật sư tư vấn về thủ tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em Việt Nam: 19006568
Nội dung cơ bản khi đăng ký khai sinh bao gồm:
– Thông tin của trẻ được khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch. Trong đó, họ của con có thể theo họ của cha hoặc mẹ, chữ đệm, tên, dân tộc, quê quán của con phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cha, mẹ đứa trẻ, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng theo tập quán. Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh và giới tính của trẻ được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
– Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú. Các thông tin này được ghi dựa theo chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh.
– Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Khi đến Ủy ban nhân dân xã để đăng ký khai sinh thì sẽ được cấp số định danh cá nhân này.
Nội dung đăng ký khai sinh trên đây là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân được đăng ký khai sinh và sẽ được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân từ hồ sơ xin nhập học, chứng minh nhân dân, căn cước công dân,… liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Vậy thì thủ tục đăng ký khai sinh cho con được thực hiện như thế nào? Điều 16 Luật hộ tịch 2014 đã giải đáp thắc mắc này của các bạn, giúp các bạn nắm được toàn bộ quy trình đăng ký khai sinh và xin cấp giấy khai sinh cho trẻ ở Việt Nam. Cụ thể như sau:
Bước 1: Cha, mẹ chuẩn bị các giấy tờ sau mang nộp tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã:
– Tờ khai đăng ký khai sinh;
– Giấy chứng sinh của con. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Thời hạn để thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con là 60 ngày kể từ ngày sinh con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con do bận công việc, tình hình sức khỏe,… thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ trên, công chức tư pháp hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra nội dung đăng ký khai sinh. Nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp thì ghi nội dung khai sinh một cách chính xác vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Bước 3: Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch để hoàn tất thủ tục. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Đăng ký khai sinh trong một số trường hợp đặc biệt:
Trường hợp 1: Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
Việc khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi thuộc về cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ khi mà thời hạn niêm yết biên bản ghi nhận thông tin về đứa trẻ được tìm thấy.
Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện như các bước đã phân tích ở trên. Tuy nhiên có một số cần lưu ý về nội dung đăng ký khai sinh đối với trường hợp này:
– Có biên bản xác nhận việc trẻ em bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;
– Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự.
– Ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi được lấy làm ngày, tháng sinh cho trẻ nếu không có cơ sở để xác nhận ngày, tháng đứa trẻ được sinh ra; năm sinh được căn cứ vào thể trạng của trẻ khi được tìm thấy;
– Nơi sinh được xác định là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi;
– Quê quán thì được xác định theo nơi sinh;
– Quốc tịch của trẻ được ghi nhận là quốc tịch Việt Nam.
– Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.
Trường hợp 2: Đăng ký cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
Trong trường hợp này thì trách nhiệm đăng ký khai sinh thuộc về Ủy ban nhân dân nơi trẻ cư trú. Thủ tục đăng ký vẫn tuân theo các bước như đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi. Lưu ý là:
– Họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống nếu chưa xác định được cha của đứa trẻ. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con mà cha yêu cầu nhận con thì được giải quyết việc nhận con và việc đăng ký khai sinh được thực hiện như bình thường, theo các bước như trên.
– Trường hợp chưa xác định được mẹ mà tại thời điểm khai sinh cha yêu cầu nhận con thì được giải quyết việc nhận con. Họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của cha. Phần khai về mẹ thì bỏ trống.
Trường hợp 3: Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ
Mang thai hộ hiện đang là một thuật ngữ không hề xa lạ, được hiểu là một người phụ nữ này mang thai cho một cặp vợ chồng khác trên cơ sở lấy trứng (noãn) của người vợ và tinh trùng của người chồng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Để thực hiện việc đăng ký khai sinh, người yêu cầu đăng ký khai sinh chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký khai sinh;
– Giấy chứng sinh hoặc văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh hoặc giấy cam đoan về việc sinh.
– Văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.
Phần khai về cha, mẹ được ghi theo thông tin của cặp cha, mẹ nhờ mang thai hộ.
Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho con được hiện theo các bước đã phân tích ở trên.
Trường hợp 4: Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam
Trường hợp này, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam.
Người đăng ký khai sinh cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định;
– Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài;
– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con nếu có.
Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục theo các bước như trên.
Trên đây là toàn bộ trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho con, các bậc phụ huynh mới sinh con thì nên lưu ý để thực hiện cho đúng pháp luật, đảm bảo cho con đầy đủ các quyền mà mỗi đứa trẻ đều được hưởng.
Mục lục bài viết
1. Thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Vợ tôi vừa hạ sinh được một bé gái đầu lòng vào đầu tuần trước. Tuy nhiên, do cả hai vợ chồng vẫn đang băn khoăn chưa biết đặt họ tên của con là gì nên cả hai vợ chồng quyết định chưa làm giấy khai sinh cho con. Luật sư có thể cho chúng tôi biết có thời hạn mà pháp luật quy định về việc làm giấy khai sinh cho bé không? Nếu vượt qua thời hạn đó thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không và khi làm giấy khai sinh, chúng tôi phải chuẩn bị những gì? Cám ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ quan trọng nhất của mỗi con người. Nó không chỉ là một bằng chứng chứng minh cho mối quan hệ huyết thống được thể hiện thông qua nội dung của giấy khai sinh hay đó là một bằng chứng chứng minh Quyền Công dân của mỗi con người. Thế nhưng, một thực trạng ở Việt Nam hiện nay, việc cha mẹ đi làm giấy khai sinh cho con cái được thực hiện một cách rất chậm chễ. Nguyên nhân một phần là do học nhận thực của người dân về vai trò của giấy khai sinh chưa cao và một phần là do cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc vận động các cặp vợ chồng sớm thực hiện việc đi làm giấy khai sinh cho con.
Quay trở lại với vấn đề của bạn thì theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn để thực hiện việc đăng ký giấy khai sinh cho con là 60 ngày kể từ ngày sinh con. Trong khoảng thời gian, vợ chồng bạn phải có trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh cho con. Trong trường hợp bạn và vợ bạn không thể đi khai sinh cho con, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em (Điều 14, Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch). Nếu như hết thời hạn này, vợ chồng bạn hay gia đình bạn không thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình phạt cảnh cáo (Điều 27, Khoản 1, Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).
Về giấy tờ để thực hiện việc khai sinh cho con bạn thì theo quy định tại Điều 13, Nghị định 158/2013/NĐ-CP, bạn phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
a, Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp;
b, Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng anh chị.
2. Giấy tờ chứng minh khi làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, nếu như các cụ 60 tuổi, 70 tuổi hiện tại chỉ có giấy chứng minh thư nhân dân thì có được làm lại giấy khai sinh bị mất hay không? Những loại giấy tờ nào có thể làm cơ sở để chứng minh đúng ngày, tháng, năm sinh của các cụ để có thể xin cấp lại giấy khai sinh?
Luật sư tư vấn:
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân. Bắt đầu từ ngày 01/01/2016 áp dụng theo quy định của Luật hộ tịch 2014, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP . Nếu trong trường hợp cá nhân bị mất giấy khai sinh bản gốc có thế sử dụng những giấy tờ, tài liệu làm cơ sở đăng ký lại khai sinh gồm:
1. Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao được công chứng, chứng thực hợp lệ, bản sao được cấp từ Sổ đăng ký khai sinh).
2. Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.
3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ trên thì giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh:
+ Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
+ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú;
+ Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;
+ Giấy tờ khác có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân;
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con.
Lưu ý: Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao các giấy tờ nêu trên (nếu có) và phải cam đoan đã nộp đủ các giấy tờ mình có. Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh cam đoan không đúng sự thật, cố ý chỉ nộp bản sao giấy tờ có lợi để đăng ký lại khai sinh thì việc đăng ký lại khai sinh không có giá trị pháp lý.
Nếu cá nhân có độ tuổi cao, không có giấy tờ khai sinh bản sao thì có thể lấy một trong những giấy tờ có thông tin do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
3. Đăng ký khai sinh khi không có giấy chứng sinh
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư tôi năm nay 28 tuổi chưa có 1 loại giấy tờ tùy thân nào. Tôi cũng cưới nhưng không đăng ký kết hôn và làm giấy chứng sinh cho con tôi 3 tuổi được? Do ngày nhỏ mẹ tôi đẻ ra, do thiếu hiểu biết lên không thanh toán viện phí, vì vậy bệnh viện không cấp cho tôi giấy chứng sinh. Nhiều lần mẹ tôi ra phường và UBND xin cấp lại các cán bộ không chấp nhận lý do đó. Bố tôi cũng không xin cấp cho tôi được vì 2 người không đăng ký kết hôn, vợ chồng tôi đã đi hỏi rất nhiều chỗ để làm giấy tờ nhưng đều không được. Vì vậy tôi viết đơn này xin luật sư cho tôi câu hỏi để tôi làm. Con tôi mỗi ngày 1 lớn rồi không có giấy chứng sinh để làm khai sinh, mặc dù giấy ra viện, giấy thanh toán viện phí đầy đủ nhưng ở viện không chấp nhận.
Luật sư tư vấn:
Điều 16 Luật hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh”.
Như vậy, người đi đăng ký khai sinh nếu không có giấy chứng sinh thì có thể nộp thay thế bằng văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; hoặc nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Trường hợp con bạn, để khai sinh cho cháu, bạn chỉ cần nhờ một trong những người biết về việc bạn sinh con, làm chứng bằng một văn bản và nộp cho công chức tư pháp – hộ tịch tại UBND cấp xã. Nếu không có người làm chứng, thì bạn phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Bạn nộp giấy tờ trên cùng một tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định cho UBND cấp xã để thực hiện đăng ký khai sinh cho con mình.
Ngoài ra, nếu bạn cũng chưa có giấy khai sinh thì bạn cũng cần phải thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho chính mình theo trình tự, thủ tục nêu trên.
Do vợ chồng bạn chưa đăng ký kết hôn nên khi sinh con ra thì đứa con này sẽ được gọi là con ngoài giá thú. Thủ tục khai sinh của con ngoài giá thú cũng giống như thủ tục đối với con trong giá thú.
Nếu vợ chồng bạn muốn trong giấy khai sinh của con mình có ghi tên của cha và mẹ thì thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con. UBND cấp xã sẽ kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh cho con bạn.
Thủ tục nhận con được Điều 25 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.
4. Có thể đăng ký khai sinh cho con ở nơi đăng ký tạm trú được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em làm mẹ đơn thân, em định làm giấy khai sinh cho con theo họ mẹ. em có hộ khẩu ở An Giang, nhưng gia đình không chấp nhận nên định làm giấy cho bé tại nơi trọ ở thành phố HCM. Em chỉ có sổ đăng ký tạm vắng tạm trú tại nơi trọ chứ chưa có KT3. Vậy em có đăng ký làm giấy khai sinh cho bé tại nơi em đang trọ được không? và trong thời hạn bao nhiêu ngày để làm khai sinh cho bé.
Luật sư tư vấn:
Điều 13 Luật hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như sau:
“Điều 13. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.”
Điều 12 Luật cư trú 2006 quy định nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Bạn thông tin bạn sinh con và muốn đăng ký khai sịnh cho con ở Thành phố Hồ Chí Minh – nơi có đăng ký tạm trú dài hạn KT3. Do đó, bạn hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con được ở nơi tạm trú.
Thủ tục đăng ký khai sinh quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch 2014 như sau:
– Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
– Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật hộ tịch 2014 vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Như vậy, ngay sau khi nhận đủ giấy tờ đăng ký khai sinh và làm đủ các thủ tục theo quy định trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cấp Giấy khai sinh cho con bạn.
5. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký khai sinh
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa các anh chị tư vấn. Cho em xin hỏi về thủ tục đăng ký khai sinh cho người. Em Hảng A Chù, NS: 09/12/1989, Em sinh ra và lớn lên tại Bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tháng 3 năm 2010 do bố mẹ không còn nữa nên em chuyển và ở với Bác gái tại xã Lao Chải. Ngày 25 tháng 5 năm 2018 em đến UBND xã Lao Chải để được đăng ký khai sinh, thì được hướng dẫn về UBND xã Dế Xu Phình để được đăng ký khai sinh với lý do:
Em sinh ra và lớn lên tại xã Xu Phình thì em phải về UBND xã Dế Xu Phình đẻ đăng ký khai sinh nhưng khi em đến UBND xã Dế Xu Phình thì lại hướng dẫn em về xã Lao Chải để làm thủ tục đăng ký khai sinh với lý do: Hiện nay em đã có hộ khẩu trường trú ổn định tại xã Lao Chải và UBND xã Lao Chải phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh. Vậy kính mong anh, chị tư vấn giúp em nội dung trên em cần phải đi đăng ký tại đâu. Nếu đăng ký khai sinh tại UBND xã Dế Xu phình thì Căn cứ vào điều khoản nào? và nếu đăng ký khai sinh tại UBND xã Lao Chải thì căn cứ vào điều khoản nào? Em xin tranh thành cảm ơn anh chị./.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 15/2015/TT-BTP:
“Trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà chưa được đăng ký khai sinh nhưng có hồ sơ giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ) như: giấy tờ tùy thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì Ủy ba nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh.”
Trường hợp của bạn do đã sinh trước ngày 01/01/2016, cụ thể là 09/12/1989 và chưa được đăng ký khai sinh. Do vậy, khi có những căn cứ về việc đăng ký khai sinh và có yêu cầu thì được bạn sẽ được đăng ký khai sinh. Căn cứ đăng ký khai sinh có thể bao gồm:
– Bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
– Hoặc: Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Như vậy, bạn có thể đối chiếu xem bản thân có được một trong những loại giấy tờ trên hay không để làm căn cứ tiến hành việc đăng ký khai sinh.
Nếu bạn có một trong những loại giấy tờ nêu trên: Khi đi đăng ký khai sinh, bạn cần mang theo những giấy tờ sau, theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư 15/2015/TT-BTP:
“Hồ sơ đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gồm có: Tờ khai đăng ký khai sinh, văn bản cam đoan về việc chưa được đăng ký khai sinh; các giấy tờ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.”
Cụ thể bao gồm:
– Tờ khai đăng ký khai sinh;
– Văn bản cam đoan về việc chưa được đăng ký khai sinh;
– Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh;
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh trong trường hợp của bạn là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đang cư trú, cụ thể là Ủy ban nhân dân xã Lao Chải (Nơi bạn có đăng ký thường trú).
Nếu bạn không có bất cứ loại giấy tờ nào để làm căn cứ đăng ký khai sinh thì sẽ không được xem xét và giải quyết đăng ký khai sinh theo quy định của pháp luật.