Tổ chức nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải tuân theo các điều kiện nhất định và có sự giới hạn về thời gian sở hữu. Do đó, khi hết thời hạn sở hữu tổ chức nước ngoài phải tiến hành thủ tục gia hạn nếu muốn tiếp tục sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở đối với tổ chức nước ngoài:
- 1.1 1.1. Trình tự thực hiện:
- 1.2 1.2. Cách thức thực hiện:
- 1.3 1.3. Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ:
- 1.4 1.4. Thời hạn giải quyết:
- 1.5 1.5. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- 1.6 1.6. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
- 1.7 1.7. Lệ phí:
- 1.8 1.8. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- 2 2. Các tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
- 3 3. Hình thức sở hữu nhà ở của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam:
- 4 4. Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với tổ chức nước ngoài:
- 5 5. Điều kiện để tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
1. Thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở đối với tổ chức nước ngoài:
Căn cứ quy định tại điểm 2.1 khoản 2 tiểu mục II Mục C Phần II Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 705/QĐ-BXD năm 2021 công bố thủ tục hành chính ban hành mới, thủ tục hành chính được thay thế, sửa đổi, bổ sung và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng quy định về thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài được thực hiện như sau:
1.1. Trình tự thực hiện:
– Nếu chủ sở hữu nhà ở có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở thì trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng phải có đơn ghi rõ thời hạn đề nghị gia hạn thêm kèm theo bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động, Giấy chứng nhận đối với nhà ở và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó để được xem xét, giải quyết;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và có văn bản đồng ý gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của chủ sở hữu, nhưng thời gian được phép gia hạn tối đa không quá thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động;
– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm ghi gia hạn trên Giấy chứng nhận căn cứ trên văn bản đồng ý gia hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời, cơ quan cấp Giấy chứng nhận phải sao một bản Giấy chứng nhận và chuyển cho Sở Xây dựng để theo dõi.
– Trường hợp khi hết hạn sở hữu lần đầu mà cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam thì không được gia hạn thêm thời hạn sở hữu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này; nhà ở của đối tượng này được xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này.
1.2. Cách thức thực hiện:
Tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tiến hành gửi hồ sơ đến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở để được xem xét giải quyết.
1.3. Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ:
Thành phần hồ sơ gia hạn sở hữu nhà ở đối với tổ chức nước ngoài bao gồm:
– Thứ nhất, đơn đề nghị gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở;
– Thứ hai, bản sao có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu Giấy chứng nhận đối với nhà ở ;
– Thứ ba, bản sao có công chứng hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ
1.4. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của chủ sở hữu.
1.5. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở.
– Cơ quan tiến hành thực hiện: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở.
1.6. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Văn bản đồng ý gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở.
1.7. Lệ phí:
Không quy định.
1.8. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức nước ngoài cần nộp hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tới Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng.
2. Các tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Căn cứ khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về các tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
– Tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài.
3. Hình thức sở hữu nhà ở của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam:
Căn cứ khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở các tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam dưới hình thức sau:
– Thứ nhất, đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan;
– Thứ hai, mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở thương mại bao gồm nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, căn hộ chung cư ngoại trừ nhà ở trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
4. Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với tổ chức nước ngoài:
Căn cứ nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 7
Tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở bao gồm Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài thì thời hạn được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho tổ chức này.
Nếu tổ chức nước ngoài có nhu cầu gia hạn thời hạn sở hữu khi hết hạn sở hữu nhà ở ghi trong Giấy chứng nhận thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo quy định tại Điều 77 của Nghị định này; Trong trường hợp trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quy định về thời hạn thì trong Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu sẽ được ghi không thời hạn.
Trong trường hợp tổ chức nước ngoài tại Việt Nam bị chấm dứt hoạt động hoặc phá sản, giải thể trước khi hết thời hạn sở hữu nhà ở quy định tại khoản này hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì việc xử lý nhà ở này được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này;
Nếu tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc chuyển vốn hoặc sáp nhập theo quy định của pháp luật mà đang trong thời hạn sở hữu nhà ở thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
Như vậy, theo quy định trên thì việc xác định thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với tổ chức nước ngoài sẽ được xác định dựa theo thời hạn quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà tổ chức đó được cấp.
5. Điều kiện để tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Căn cứ Điều 160 Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về điều kiện tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
– Đối với tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
– Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Chính phủ quy định chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Nhà ở năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
–
– Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
– Quyết định 705/QĐ-BXD năm 2021 công bố thủ tục hành chính ban hành mới, thủ tục hành chính được thay thế, sửa đổi, bổ sung và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.