Nhu cầu hiểu rõ thủ tục đăng ký song tịch cho con ngày càng trở nên phổ biến đối với các gia đình Việt Nam có yếu tố nước ngoài bởi ngày nay, nhiều quốc gia cho phép công dân được song tịch hay đa quốc tịch, trong đó có Việt Nam, nhằm đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho trẻ khi sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục đăng ký song tịch Việt Nam cho con như thế nào?
1.1. Hồ sơ cần chuẩn bị:
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, cha hoặc mẹ của người có yêu cầu (trường hợp con chưa thành niên), người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam lập 01 bộ hồ sơ, bao gồm các tài liệu sau:
(i) Tờ khai xác nhận có quốc tịch Việt Nam (theo mẫu TP/QT-2013-TKXNCQTVN) kèm 02 ảnh 4×6 chưa quá 6 tháng;
(ii) Bản sao giấy tờ về nhân thân của người đó như Hộ chiếu, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
(iii) Bản sao có chứng thực giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam cho con theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam gồm giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân;
(iv) Xác nhận nơi cư trú do cơ quan công an phường, xã, thị trấn có thẩm quyền cấp. Trường hợp có Hộ khẩu, Thẻ thường trú thì cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu.
1.2. Trình tự, thủ tục:
Bước 1: Cha hoặc mẹ của người có yêu cầu (trường hợp con chưa thành niên), người có yêu cầu xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến Sở Tư pháp nơi cư trú, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ
Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:
– Trường hợp nộp trực tiếp:
(i) Hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ.
(ii) Hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
– Trường hợp nộp qua bưu chính:
(i) Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định.
(ii) Hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì mời người nộp hồ sơ đến bổ sung theo quy định.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
– Đối với trường hợp có đủ cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp chủ động kiểm tra, đối chiếu danh sách những người đã được thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam và xem xét và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam.
– Đối với trường hợp không đủ cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam:
Trường hợp không có đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam: Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp và Công an cấp tỉnh nơi người yêu cầu đang cư trú hoặc nơi thường trú cuối cùng của người đó ở Việt Nam tiến hành xác minh;
Trường hợp nghi ngờ tính xác thực của giấy tờ trong hồ sơ, Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan tra cứu, kiểm tra, xác minh: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, kiểm tra, xác minh, Sở Tư pháp cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam (nếu xác định được người yêu cầu đang có quốc tịch Việt Nam).
Trường hợp sau khi tiến hành tra cứu, kiểm tra, xác minh, vẫn không có đủ cơ sở để xác định người yêu cầu có quốc tịch Việt Nam thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người đó biết.
Bước 4: Người đề nghị căn cứ ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp như sau:
– Lần 1: Nhận kết quả hoặc nhận thông tin hồ sơ đã được chuyển xác minh tại các cơ quan khác (Bộ Tư pháp, Công an Thành phố hoặc Công an cấp tỉnh nơi thường trú cuối cùng của người đó ở Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức liên quan tra cứu, kiểm tra, xác minh).
– Lần 2: Nhận kết quả hoặc văn bản thông báo từ chối có nêu rõ lý do.
2. Căn cứ để con được đăng ký song tịch Việt Nam:
Song tịch là trường hợp một người mang quốc tịch của 2 (hai) quốc gia khác nhau, nói cách khác, người song tịch là người được công nhận tư cách công dân của cả 2 (hai) quốc gia. Như vậy, trường hợp đăng ký song tịch Việt Nam cho con, có thể hiểu, người con này đã có quốc tịch nước ngoài có thể là vì các lý do khác nhau như nơi sinh ở nước ngoài, và nay mong muốn có thêm quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài đó.
Đối với trường hợp này, theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam, người có yêu cầu hoặc đại diện của người có yêu cầu (đối với trường hợp con chưa thành niên) có thể thực hiện thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam và người đó không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, người có yêu cầu sẽ được cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam.
Theo Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), các căn cứ chính để xác định người có quốc tịch Việt Nam nhằm đăng ký song tịch cho con bao gồm:
– Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ đều là công dân Việt Nam tại thời điểm sinh thì có quốc tịch Việt Nam.
– Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam tại thời điểm sinh, còn người kia không quốc tịch hoặc cha không rõ là ai thì con có quốc tịch Việt Nam.
– Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam tại thời điểm sinh, còn người kia là công dân nước ngoài, nhưng có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con có quốc tịch Việt Nam.
– Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì con có quốc tịch Việt Nam.
– Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ đều không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.
– Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà mẹ không có quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
– Được nhập quốc tịch Việt Nam
– Được trở lại quốc tịch Việt Nam
– Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014): Bao gồm các trường hợp đặc biệt như: người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch, người được miễn nghĩa vụ thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam,…
– Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, trường hợp con có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam hay con có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam đều có thể được xác nhận là có quốc tịch Việt Nam nếu có yêu cầu và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
3. Cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký song tịch Việt Nam cho con:
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp nơi cư trú, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ.
– Cơ quan phối hợp thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tư pháp hoặc Công an cấp tỉnh nơi người yêu cầu cư trú hoặc nơi thường trú cuối cùng của người đó ở Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức liên quan.
4. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký song tịch Việt Nam cho con:
– Đối với trường hợp có đủ cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
– Đối với trường hợp không đủ cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam:
+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp và Công an cấp tỉnh nơi người yêu cầu đang cư trú hoặc nơi thường trú cuối cùng của người đó ở Việt Nam tiến hành xác minh hoặc cơ quan, tổ chức liên quan tra cứu, kiểm tra, xác minh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, kiểm tra, xác minh, Sở Tư pháp cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nếu xác định được người yêu cầu đang có quốc tịch Việt Nam.
– Như vậy, tổng thời gian cho thủ tục này là từ 5 – 60 ngày làm việc.
5. Lệ phí đăng ký song tịch Việt Nam cho con:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC, lệ phí xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam là 100.000 đồng/trường hợp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
– Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam
– Thông tư liên tịch 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA hướng dẫn
– Thông tư 281/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch
Người viết: Phạm Thị Ngọc Diễm
THAM KHẢO THÊM: