Thủ tục đăng ký KT3. Quy định về thủ tục đăng ký tạm trú, ý kiến chủ hộ khi thực hiện thủ tục đăng ký.
Thủ tục đăng ký KT3. Quy định về thủ tục đăng ký tạm trú, ý kiến chủ hộ khi thực hiện thủ tục đăng ký.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Luật sư Dương Gia. Em xin có câu hỏi nhờ Luật sư tư vấn giúp em với ạ! Hiện tại em đang thuê phòng trọ, có hợp đồng thuê nhà của chủ nhà, em đang làm thủ tục để đăng ký KT3, trong mẫu HK02 (Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu), có mục 13, 14,15 có nói họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ thì chủ hộ này là ai, có phải là chủ nhà cho thuê không? Ý kiến của chủ hộ này là ai? Em xin trân trọng cảm ơn Luật sư?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2014/TT-BCA Quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú có hướng dẫn cách ghi phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu như sau:
"Điều 9. Cách ghi phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
1. Mục “Họ và tên chủ hộ” và “Quan hệ với chủ hộ” ghi như sau:
a) Trường hợp đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp, được cấp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì mục họ và tên chủ hộ ghi họ, tên người đến đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú, mục quan hệ với chủ hộ ghi là chủ hộ;
b) Trường hợp được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì họ và tên chủ hộ ghi họ, tên chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, mục quan hệ với chủ hộ ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó;
c) Trường hợp điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; tách sổ hộ khẩu; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú thì ghi họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
2. Mục “Nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”: Ghi tóm tắt nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
3. Mục “Ý kiến của chủ hộ”: Ghi rõ ý kiến của chủ hộ là đồng ý cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc đồng ý cho tách sổ hộ khẩu; chủ hộ ký và ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm.
4. Mục “Xác nhận của Công an” ghi như sau:
a) Trường hợp xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú thì cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú. Nội dung xác nhận gồm: các thông tin cơ bản của từng nhân khẩu; địa chỉ đã đăng ký thường trú; họ và tên chủ hộ đã đăng ký thường trú (nếu có); ngày, tháng, năm chuyển đi hoặc xóa đăng ký thường trú;
b) Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu do bị mất thì Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của công dân xác nhận việc bị mất đó. Nội dung xác nhận gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nơi thường trú của chủ hộ đề nghị cấp lại sổ hộ khẩu.
5. Trường hợp người viết phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cũng là người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thì công dân chỉ cần kê khai những nội dung quy định tại mục II “Thông tin về người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”.
Vì bạn đang đăng ký tạm trú tại nơi đang thuê nhà trọ nên cách ghi cụ thể tại Mục 13, 14, 15 như sau:
– Tại Mục 13, 14: Họ và tên chủ hộ; quan hệ với chủ hộ
+ Nếu bạn đăng ký một sổ tạm trú mới riêng cho bản thân hoặc gia đình bạn, tại chỗ ở hợp pháp mà bạn thuê thì họ và tên chủ hộ bạn ghi tên của chính bạn (vì bạn là người đến đăng ký tạm trú); trong mục quan hệ với chủ hộ thì bạn ghi là: Chủ hộ;
+ Nếu bạn được chủ hộ khác cho nhập vào sổ tạm trú của gia đình họ thì trong mục họ và tên chủ hộ ghi họ và tên chủ hộ, người mà cho bạn nhập sổ vào gia đình họ; trong mục quan hệ với chủ hộ thì bạn ghi mối quan hệ với chủ hộ thực tế ví dụ như cháu, con, khách thuê trọ,…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Tại mục 15: Nội dung thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu
Tại mục này, bạn ghi tóm tắt nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trong trương hợp của bạn là ghi: đăng ký tạm trú.
– Tại mục ý kiến của chủ hộ:
Tại mục này bạn ghi ý kiến của chủ hộ như sau:
+ Nếu là bạn đứng tên chủ hộ thì ghi ý kiến của chính mình là: Xin phép cho đăng ký tạm trú;
+ Nếu bạn được đứng tên trong sổ tạm trú người khác thì cần ý kiến của chủ hộ cho phép bạn nhập tên vào sổ tạm trú của gia đình họ: Đồng ý cho đăng ký tạm trú