Thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao theo quy định của Luật Thể dục, Thể thao 2006.
Trong những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao ngày càng lớn mạnh. Không chỉ được thể hiện thông qua việc đầu tư các khoản tài chính lớn vào hoạt động thể thao mà còn được thể hiện thông qua những thành tích tốt của các vận động viên, cũng việc tổ chức các sự kiện thể thao diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Từ các sự kiện thể thao mang tính chất quốc tế, cho đến các giải thể thao được tổ chức ở các địa phương, thậm chí là chính quyền các xã, phường, thị trấn cũng tổ chức các sự kiện thể thao hay là tổ dân phố hay các cộng đồng dân cư cũng tổ chức các sự kiện thể thao của riêng mình. Nhằm chuyên nghiệp hóa các sự kiện thể thao, cũng như phấn đấu đưa Việt Nam trở thành cường quốc thể thao của khu vực, việc tổ chức, đăng cai các giải thể thao thành tích cao ngày càng được phổ biến. Chính vì vậy, Quốc hội đã cho ban hành Luật Thể dục Thể thao 2006 nhằm đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao trong toàn dân. Theo đó thủ tục đăng cai, tổ chức giải thể thao thành tích cao được quy định tại Điều 40, Luật Thể dục, Thể thao 2006.
Như vậy, theo Khoản 1, Điều 40, Luật Thể dục, Thể thao 2006 hồ sơ để tiến hành việc xin phép việc đăng cai, tổ chức giải thể thao thành tích cao bao gồm:
a) Đơn xin đăng cai tổ chức giải thể thao, trong đó nêu rõ mục đích tổ chức, nguồn tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật;
b) Điều lệ giải thể thao;
c) Danh sách ban tổ chức giải thể thao;
d) Chương trình thi đấu và các hoạt động khác của giải thể thao;
đ) Tên giải thi đấu; huy chương, huy hiệu, cờ hiệu, biểu tượng của giải.
Về trình tự, thủ tục để tiến hành việc đăng cai, tổ chức giải thể thao thành tích cao thì Ban tổ chức giải thể thao thành tích cao phải gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành ra quyết định cho phép tổ chức giải thể thao thành tích cao trong thời hạn pháp luật quy định Điều 40, Khoản 2, Luật Thể dục, Thể thao 2006).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về phía cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức giải thể thao thành tích cao được quy định tại Điều 38, Luật Thể dục, Thể thao 2006 và quy định rõ cấp thẩm quyền cho phép tổ chức giải thể thao thành tích cao theo quy mô và chất lượng của giải đấu. Cụ thể như sau:
Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới; giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc (Điều 37, Khoản 1, 2, Luật Thể dục, Thể thao 2006).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định tổ chức Giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao (Điều 37, Khoản 3, Luật Thể dục, Thể thao 2006).
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tổ chức Giải thi đấu vô địch từng môn thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 37, Khoản 4, Luật Thể dục, Thể thao 2006).
Về thời hạn giải quyết việc cho phép tổ chức các giải thể thao thành tích cao cũng dựa vào thẩm quyền cấp phép tổ chức giải thể thao thành tích cao (Điều 40, Khoản 2, Luật Thể dục, Thể thao 2006). Cụ thể:
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 38 của Luật Thể dục, Thể thao 2006 (tức là các giải đấu do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định tổ chức) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nếu không cho phép phải nêu rõ lý do.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật này (tức là do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tổ chức) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nếu không cho phép phải nêu rõ lý do.
Với những quy định trên của Luật Thể dục Thể thao 2006 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thể thao Việt Nam.