Các hình thức khai thác thông tin đất đai. Trách nhiệm của các bên khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS. Thủ tục yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai. Phí và chi phí phải trả cho việc cung cấp dữ liệu đất đai.
Hiện nay người dân có thể tiếp cận dễ dàng và nhiều hơn tới các thông tin, dữ liệu liên quan đến đất đai. Vậy để thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai thì thủ tục, trình tự như thế nào? Mức phí khi làm thủ tục yêu cầu cung cấp dữ liệu là bao nhiêu?
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Các hình thức khai thác thông tin đất đai:
– Người dân có thể khai thác thông tin về đất đai qua 02 hình thức đó là khai thác thông tin qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS và khai thác thông tin qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT
– Khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC
– Khi cơ quan có thẩm quyền nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Còn trong trường hợp tổ chức, cá nhân khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin đất đai.
2. Trách nhiệm của các bên khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS:
2.1. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền truy cập có trách nhiệm:
+ Tổ chức, cá nhân được cấp quyền truy cập có trách nhiệm truy cập đúng địa chỉ, mã khóa; không được làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp;
+ Sau khi được cấp quyền truy cập, tổ chức, cá nhân cần khai thác dữ liệu trong phạm vi được cấp, sử dụng dữ liệu đúng mục đích, không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời quản lý nội dung các dữ liệu đã khai thác, không được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp đã được thỏa thuận, cho phép bằng văn bản của cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai
+ Ngoài ra cá nhân, tổ chức không được thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu; không được tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống thông tin đất đai; thông báo kịp thời cho cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp.
2.2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có trách nhiệm:
– Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở Trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai.
– Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.
– Tại khoản 3, Điều 10, Thông 34/2014/TT-BTNMT quy định trong khi khai thác dữ liệu qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai phải bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy cập thuận tiện; có công cụ tìm kiếm dữ liệu dễ sử dụng và cho kết quả đúng nội dung cần tìm kiếm
+ Bảo đảm khuôn dạng dữ liệu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định để dễ dàng tải xuống, hiển thị nhanh chóng và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến; Hỗ trợ tổ chức, cá nhân truy cập hệ thống thông tin đất đai;
+ Bảo đảm tính chính xác, thống nhất về nội dung, cập nhật thường xuyên và kịp thời của dữ liệu trong hệ thống thông tin đất đai;
+ Quy định rõ thời hạn tồn tại trực tuyến của từng loại thông tin;
+ Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2.3. Trách nhiệm của cơ quan cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng khi tạm ngừng cung cấp dữ liệu:
+ Trong trường hợp tạm ngưng cung cấp dữ liệu cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có trách nhiệm thông báo công khai chậm nhất là 07 ngày làm việc trước khi chủ động tạm ngừng cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên mạng để sửa chữa, khắc phục các sự cố hoặc nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng thông tin;
– Về nội dung thông báo cần phải nêu rõ khoảng thời gian dự kiến phục hồi các hoạt động cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng, trừ trường hợp bất khả kháng;
+ Cùng với đó, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai phải tiến hành các biện pháp khắc phục sự cố ngay sau khi hệ thống thông tin đất đai bị lỗi trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc gây ngừng cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng.
3. Thủ tục yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai:
Để làm thủ tục xin cấp giấy cung cấp dữ liệu đất đai người dân tiến hành các bước như sau:
Bước 1: Nộp phiếu cung cấp dữ liệu đất đai
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai cần điền đầy đủ các thông tin trong Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai (Mẫu 01/PYC ban hành kèm theo thông tư 34/2014/TT-BTNMT). Khi điền vào mẫu phiếu người yêu cầu cần phải ghi chính xác số, địa chỉ thửa đất. Tiếp đó, tích dấu (x) vào ô thông tin dữ liệu cần xin cung cấp tùy vào mục đích.
Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
+ Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
+ Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân.
Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
Bước 3: Xử lý yêu cầu
Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Bước 4: Trả kết quả
Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:
+ Kết quả sẽ được cung cấp trong ngày với trường hợp cơ quan có thẩm quyền nhận được yêu cầu trước 15 giờ.
+ Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;
+ Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.
Lưu ý: Thời gian nhận được yêu cầu không tính các các thời gian sau:
+ Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp xã (xã, phường, thị trấn)
+ Không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật;
+ Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
4. Phí và chi phí phải trả cho việc cung cấp dữ liệu đất đai:
– Phí và chi phí phải trả để được cung cấp dữ liệu đất đai bao gồm các khoản sau:
+ Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai;
+ Chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu;
+ Chi phí gửi tài liệu (nếu có).
– Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân thông qua mức thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai. Phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cho nên mỗi tỉnh sẽ quy định mức thu khác nhau.
Ví dụ:
Phí khai thác thông tin đất đai TP Hà Nội: 150.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; 300.000 đồng đối với tổ chức.
Phí khai thác thông tin đất đai tỉnh Vĩnh Phúc: 100.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình ở thị trấn; 210.000 đồng đối với tổ chức; 50.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình ở thôn, xã
Phí khai thác thông tin đất đai tỉnh Nam Định:200.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; 300.000 đồng đối với tổ chức
– Pháp luật quy định một số thông tin sau thì không phải trả phí:
+ Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;
+ Danh mục dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu đất đai;
+ Khung giá đất, bảng giá đất đã công bố;
+ Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;
+ Các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.