Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất được phép luật cho phép. Vậy người sử dụng đất có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm được không?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm là hai loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Trong đó:
– Đất rừng sản xuất:
Theo quy định tại Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT thì đất rừng sản xuất có ký hiệu là RSX và được phân thành 02 loại sau:
Rừng sản xuất là rừng tự nhiên: đất rừng tự nhiên bao gồm rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằn biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên;
Rừng sản xuất là rừng trồng: đất rừng trồng được gây dựng bằng 02 nguồn vốn chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước và vốn chủ rừng tự đầu tư.
– Đất trồng cây lâu năm:
Theo quy định tại Phụ lục I được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đất trồng cây lâu năm là loại đất được sử dụng vào mục đích trồng các loại cây trồng một lần nhưng có thể sinh trưởng và cho kết quả thu hoạch trong nhiều năm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đất trồng cây lâu năm được dùng để trồng các loại cây sau:
+ Cây công nghiệp lâu năm bao gồm các loại cây như: cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa…;
+ Cây ăn quả lâu năm bao gồm các loại cây như: cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài…;
+ Cây dược liệu lâu năm bao gồm các loại cây như: cây hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm…;
+ Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng,…;
Đặc biệt đất trồng cây lâu năm được xác định là loại đất bao gồm cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
2. Người sử dụng đất có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm không?
Như đã phân tích tại mục 1 của bài viết này thì đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm đều là các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Vậy người sử dụng đất có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 thì khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau thì người sử dụng đất phải thực hiện xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
– Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
– Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
– Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Như vậy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang mục đích sử dụng đất khác trong nhóm đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) thì người sử dụng đất phải thực hiện xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét để cho phép người sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải dựa vào nguyên tắc được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 mà không phải dựa vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền. Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dựa vào 02 tiêu chí sau:
– Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Nhu cầu của người sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nếu xét thấy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất là phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cho phép người sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm
3. Thủ tục chuyển đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số
– Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện theo mẫu số 01, được ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 1 Thông tư số 11/2022/TT-BTNMT;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp phép đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đã nêu trên thì người sử dụng đất sẽ nộp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nghĩa trang.
Theo quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép người sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất là: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã. Theo đó, khi người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì sẽ nộp hồ sơ trực tiếp đến Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 nêu trên.
Hiện nay, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đổi có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nêu trên hoặc nộp thông qua đường bưu điện gửi tới địa chỉ của cơ quan Nhà nước đó hoặc có thể nộp hồ sơ thông qua Cổng dịch vụ công.
Bước 3: Cơ quan Nhà nước tiếp nhận và giải quyết yêu cầu:
Cơ quan tài nguyên và môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã nêu trên sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ nếu hồ sơ chưa bảo đảm tính hợp lệ và đầy đủ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cán bộ sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người yêu cầu.
Khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thì cơ quan tài nguyên và môi trường thuộc cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện những công việc sau:
– Xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
– Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
– Trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT;
– Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bước 4: Người yêu cầu chuyển đổi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và nhận kết quả giải quyết:
Người có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hướng dẫn của cán bộ tài nguyên và môi trường.
Kết quả nhận được là quyết định cho phép người sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm.
Bước 5: Thực hiện đăng ký biến động đất đai:
Đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký biến động đất đai là bước cuối cùng để người sử dụng đất hoàn tất việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Để thực hiện đăng ký biến động đất đai thì người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai thực hiện theo mẫu số 09/ĐK;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp;
– Quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì người yêu cầu sẽ nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký biến động đất đai và nhận kết quả là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất đã chuyển đổi.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành ngày 14/12/2018 Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.