Theo quy định của pháp luật về môi trường, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải có giấy phép môi trường. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ thủ tục cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại:
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại:
Căn cứ Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đảm bảo được cấp giấy phép môi trường, trong đó phải có nội dung dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Do đó, hiện nay sẽ không còn giấy phép xử lý chất thải nguy hại mà cơ quan nhà nước sẽ cấp giấy phép môi trường có nội dung dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Căn cứ khoản 3 Điều 44 Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2023 Luật bảo vệ môi trường quy định các trường hợp cấp lại Giấy phép môi trường gồm:
– Giấy phép hết hạn.
– Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường so với giấy phép môi trường đã được cấp, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Thủ tục cấp lại Giấy phép môi trường được quy định như sau:
Chuẩn bị hồ sơ:
(1) Hồ sơ cấp lại Giấy phép môi trường khi giấy phép hết hạn; khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư gồm:
– Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép môi trường.
– Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường.
Sau đó, Chủ cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường.
Thời hạn thực hiện cấp giấy phép môi trường: đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ tài nguyên và môi trường, Bộ quốc phòng, Bộ công an là không quá 30 ngày; đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 20 ngày.
(2) Trường hợp Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc tăng, thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường; Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi tăng số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường:
– Hồ sơ cần có:
+ Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép môi trường.
+ Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường.
Sau đó nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền, trình tự thực hiện cấp lại tương tự như quy trình cấp giấy phép môi trường.
2. Thủ tục điều chỉnh Giấy phép môi trường được quy định như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2023 quy định các trường hợp thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép môi trường gồm:
– Dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.
– Thay đổi nội dung cấp phép theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc trên cơ sở quy định của pháp luật.
– Dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.
(1) Đối với trường hợp có sự thay đổi nội dung cấp phép theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc theo quy định của pháp luật: khi có đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở thì thực hiện thay đổi giảm nội dung cấp phép môi trường.
Nếu như thay đổi các khối lượng, loại chất thải nguy hại phát sinh, chủ dự án, cơ sở có trách nhiệm báo cáo việc thay đổi trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ của dự án, cơ sở.
Thời gian thực hiện điều chỉnh: trong vòng 15 ngày, tính từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giấy phép môi trường.
(2) Đối với trường hợp dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế:
Cơ quan cấp giấy phép môi trường sẽ thực hiện điều chỉnh giấy phép căn cứ dựa trên báo cáo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thời gian thực hiện trong 25 ngày, tính từ ngày nhận được báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
3. Thực hiện việc xử lý chất thải nguy hại như thế nào?
Theo quy định tại Điều 84 Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2023, việc xử lý chất thải thực hiện như sau:
– Chất thải nguy hại xử lý bằng công nghệ phù hợp, và phải đáp ứng được các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải nguy hại: nhà nước sẽ khuyến khích và có những chính sách ưu đãi. Đồng thời khuyến khích việc đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại quy mô cấp vùng; khuyến khích đồng xử lý chất thải nguy hại.
– Để thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, cơ sở thực hiện phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây:
+ Phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại.
+ Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng.
+ Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định.
+ Đảm bảo có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
+ Đảm bảo có giấy phép môi trường.
+ Đảm bảo quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp.
+ Phải có kế hoạch quản lý môi trường gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động.
+ Thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH 2023 Luật bảo vệ môi trường.