Văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp được gọi là “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp”. Vậy thủ tục cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp:
Điều 92 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ quy định về văn bằng bảo hộ, Điều này quy định về văn bằng bảo hộ như sau:
– Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (sau đây sẽ được gọi là chủ văn bằng bảo hộ); tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; các đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.
– Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, các tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, các tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.
– Văn bằng bảo hộ gồm có Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận về đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận về đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Theo đó, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thuộc trong văn bằng bảo hộ. Vì vậy, thủ tục cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được thực hiện như thủ tục cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ. Cụ thể như sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bao gồm những giấy tờ sau:
– Tờ khai yêu cầu cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ (tờ khai được thực hiện theo Mẫu số 09 tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
– 02 mẫu nhãn hiệu, 02 bộ ảnh chụp hoặc là 02 bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp trùng với mẫu nhãn hiệu, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ của kiểu dáng công nghiệp trong văn bằng bảo hộ gốc;
– Văn bản ủy quyền (trong trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
– Bản sao của chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp người yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Bước 2: nộp hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Người có yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thực hiện nộp hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã chuẩn bị nêu trên đến Cục Sở hữu trí tuệ ở tại Hà Nội hoặc là Văn phòng đại diện của Cục ở tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bằng một trong các phương thức nộp hồ sơ sau:
– Nộp hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp trực tiếp đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc là Văn phòng đại diện của Cục ở tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Nộp hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc là Văn phòng đại diện của Cục ở tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Nộp hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp trực tuyến qua Hệ thống giải quyết các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bước 3: giải quyết hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
– Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải xem xét yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Trường hợp yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đáp ứng các quy định về trường hợp được cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì khi đó cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và ghi nhận vào mục đăng bạ của văn bằng bảo hộ tương ứng ở trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;
– Nội dung bản cấp lại của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thể hiện đầy đủ các thông tin của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã được cấp lần đầu và phải kèm theo chỉ dẫn “Bản cấp lại”. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ thực hiện việc công bố việc cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp ở trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định cấp lại của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho người yêu cầu;
– Trường hợp yêu cầu cấp lại của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng được về hồ sơ cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo và ấn định cho người yêu cầu thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để cho người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu như đã kết thúc thời hạn nêu trên (02 tháng), người yêu cầu cấp lại của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc người yêu cầu có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, khi đó cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định về việc từ chối cấp lại của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có nêu rõ lý do.
2. Các trường hợp cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp:
Khoản 7 Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện cấp phó bản văn bằng bảo hộ và cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:
– Trường hợp quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung, văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho chính người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung. Những đồng chủ sở hữu khác có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện cấp phó bản văn bằng bảo hộ, với điều kiện phải nộp phí cấp phó bản;
– Trường hợp văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ bị mất hoặc bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức mà không thể sử dụng được, bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp mà đã được cấp văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ có thể yêu cầu đến cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ, với điều kiện phải nộp phí tương ứng.
Theo đó, các trường hợp cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bao gồm có:
– Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bị mất hoặc bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được.
– Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong.
Lưu ý rằng, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp phải nộp phí tương ứng mà pháp luật quy định khi thực hiện thủ tục yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
3. Phí, lệ phí cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp:
Như đã nói ở mục trên, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp phải nộp phí tương ứng mà pháp luật quy định khi thực hiện thủ tục yêu cầu cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Phí, lệ phí cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, cụ thể như sau:
– Lệ phí cấp lại bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: 100.000 đồng.
– Phí công bố, đăng bạ các thông tin sở hữu công nghiệp:
+ Phí công bố các thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng.
+ Phí đăng bạ các thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ.