Giấy phép xây dựng là căn cứ pháp lý, xác minh quyền được xây dựng các công trình hạ tầng của người dân do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp. Dưới đây là bài phân tích về thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình theo tuyến đô thị.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị:
Điều 91 Luật xây dựng 2020 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị như sau:
– Điều kiện 1: Công trình xây dựng trong đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
– Điều kiện 2: Công trình xây dựng trong đô thị phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
– Điều kiện 3: Công trình xây dựng trong đô thị phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
– Điều kiện 4: Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt, cụ thể:
+ Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quy định như sau: Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước; Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước. Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế ba bước.
+ Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách được quy định như sau: Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước. Phần thiết kế công nghệ và nội dung khác (nếu có) do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định; Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Đối với trường hợp thiết kế hai bước, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình.
+ Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn khác được quy định như sau: Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước, thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng. Phần thiết kế công nghệ (nếu có), dự toán xây dựng do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định; Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đối với các công trình xây dựng còn lại; Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng.
Theo quy định của Luật xây dựng 2020, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử về năng lực hoạt động xây dựng để thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng. Chi phí thẩm tra, phí thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng được tính trong tổng mức đầu tư của dự án. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng; cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.
2. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình theo tuyến đô thị:
2.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng:
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình theo tuyến gồm các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
+ Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Bản sao quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư;
+ Bản vẽ thiết kế xây dựng;
+ Bản sao hoặc mã số chứng chỉ hành nghề của tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình được cấp theo quy định.
+ Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự phù hợp với vị trí và phương án tuyến;
+ Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình gồm các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
+ Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.
+ Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.
+ Văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đối với công trình di tích lịch sử – văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng.
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp di dời công trình gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình.
+ Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình sẽ di dời đến và giấy tờ hợp pháp về sở hữu công trình theo quy định của pháp luật.
+ Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến
+ Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
2.2. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình theo tuyến đô thị:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Đối với từng trường hợp xây dựng công trình theo tuyến đô thị cụ thể, chủ đầu tư sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ gửi lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để được thụ lý và giải quyết.
– Bước 2: Giải quyết hồ sơ.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ gửi lên. Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ hoàn trả hồ sơ về, nêu rõ lý do không giải quyết bằng văn bản.
– Bước 3: Cấp giấy phép xây dựng công trình theo tuyến đô thị.
3. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng:
Theo quy định của Luật xây dựng 2020, cơ quan chức năng có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây trong việc cấp giấy phép xây dựng:
– Cơ quan chức năng có thẩm quyền có trách nhiệm niêm yết công khai và giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.
– Cơ quan chức năng thực hiện theo dõi, trả kết quả hoặc thông báo cho chủ đầu tư về hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy phép xây dựng theo quy trình và trong thời hạn theo quy định.
– Chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng theo thẩm quyền khi chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng.
– Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật xây dựng 2020.