Để được vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt phải đảm bảo điều kiện nhất đinh, tuân theo quy định pháp luật. Vậy, thủ tục cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt được quy định ra sao? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp loại giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt?
Mục lục bài viết
1. Quy định về vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt:
1.1. Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt:
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP, Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có đủ các điều kiện sau:
– Cần đảm bảo sự hoạt động của bộ phận phụ trách cho công tác an toàn vận tải đường sắt;
– Cá nhân giữ nhiệm vụ trong công tác an toàn vận tải đường sắt phải có trình độ đại học, được đào tạo chuyên nghiệp về chuyên ngành vận tải đường sắt. Đồng thời, phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt;
– Việc quản lý kỹ thuật để khai thác vận tải chỉ được giao cho người có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.
1.2. Phân loại hàng hóa nguy hiểm:
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về việc phân loại hàng hóa nguy hiểm như sau:
– Căn cứ vào tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:
+ Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ
Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có khả năng dẫn đến nổ rộng;
Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng;
Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng;
Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể;
Nhóm 1.5: Chất rất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng;
Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
Loại 2. Khí.
Nhóm 2.1: Khí dễ cháy;
Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại;
Nhóm 2.3: Khí độc hại;
Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
Loại 4.
Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy;
Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy;
Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
Loại 5.
Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa;
Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
Loại 6:
Nhóm 6.1: Chất độc;
Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh;
Loại 7: Chất phóng xạ.
Loại 8: Chất ăn mòn.
Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
– Ngoài ra, những bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm đã từng chứa những hàng hóa nguy hiểm nhưng chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người xung quanh nên cũng được xếp vào hàng hoá nguy hiểm tương ứng.
2. Trình tự cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt:
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 65/2018/NĐ-CP thì Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cần đảm bảo nội dung sau:
2.1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm, bao gồm:
2.1.1 Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm lần đầu:
– Chủ thể chuẩn bị 01 mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm. Mẫu đơn đã được Nhà nước ban hành sẵn theo hướng dẫn của Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
– Chuẩn bị thêm Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh hoặc vận tải hàng nguy hiểm;
– Thông tin xoay quanh những bảng kê danh Mục, khối lượng và tuyến vận tải hàng nguy hiểm (ga đi, ga đến); những cá nhân thực hiện việc áp tải hàng nguy hiểm cần được lập danh sách cụ thể. Danh sách phải thực hiện theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
– Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp đối với hợp đồng vận tải hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận tải hàng nguy hiểm bằng đường sắt giữa người thuê vận tải hàng nguy hiểm với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
– Đề xuất ra những phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận tải hàng nguy hiểm. Bản phương án này cần đảm bảo nội dung cơ bản và có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm;
– Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận tải theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường thực hiện theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2.1.2. Hồ sơ cấp lại Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm:
Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm được cấp lại trong các trường hợp bị mất, bị hư hỏng hoặc nội dung ghi trong Giấy phép bị mờ, không còn thể hiện đầy đủ nội dung. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm, gồm:
– Chuẩn bị đơn đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thực hiện theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
– Trình bày bản báo cáo hoạt động vận tải hàng nguy hiểm với lô hàng đã được cấp Giấy phép vận tải thực hiện theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
– Ngoài ra, còn có bản chính Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm bị hư hỏng.
2.2. Trình tự, thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Mục 2.1 bài biết này;
Phương thức nộp hồ sơ có thể đến gửi trực tiếp, gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định này để cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm.
Bước 2: Tiếp nhận và xem xét hồ sơ:
– Xử lý khi hồ sơ không hợp lệ:
Trong trường hợp không đủ điều kiện được cấp thì có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trả lời và nêu rõ lý do; nếu vấn đề do hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 02 ngày làm việc phải có văn bản trả lời và hướng dẫn người đề nghị hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;
– Thời gian cấp Giấy phép:
Thông thường, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Nghị định này có trách nhiệm cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cho người đề nghị;
Trường hợp ngoại lệ việc kiểm tra, cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trong trường hợp này là 05 ngày khi thông tin trong hồ sơ đăng ký khai báo sai hoặc hàng nguy hiểm vận tải với khối lượng lớn hoặc có tính nguy hại cao. Quá trình kiểm tra được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định này;
Bước 3: Nhận giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt
Đáng lưu ý: Thời hạn hiệu lực của Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm: Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm được cấp cho từng lô hàng nguy hiểm cần vận tải bằng đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày cấp và hết hiệu lực khi lô hàng đó đã được vận tải đến nơi nhận theo hợp đồng vận chuyển.
3. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt:
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 65/2018/NĐ-CP thì căn cứ mức độ nguy hiểm của hàng nguy hiểm, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm quy định loại, nhóm, tên hàng nguy hiểm bắt buộc người thuê vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm khi vận tải trên đường sắt, cụ thể như sau:
– Với những hàng hóa nguy hiểm thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này và không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thì trách nhiệm Bộ Công an cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm;
– Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trong việc cấp giấy phép vận tải hoặc mệnh lệnh vận chuyển hàng nguy hiểm thuộc loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
Với việc cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thuộc các loại 5, 7 và 8 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này thì Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn toàn có thẩm quyền;
– Trong những lĩnh vực đặc biệt như hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng thì Bộ Y tế quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm này;
– Quản lý về vấn đề liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên việc quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cho các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng là cơ quan này thực hiện;
– Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm thuộc các loại 6 quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa
– Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.