Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển chất cháy nổ. Kinh doanh vận chuyển các chất dễ cháy nổ phải đáp ứng điều kiện nào để được cấp phép?
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển chất cháy nổ. Kinh doanh vận chuyển các chất dễ cháy nổ phải đáp ứng điều kiện nào để được cấp phép?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư, tôi đang muốn vận chuyển các chất cháy nổ nhưng lại không biết thủ tục để được cấp giấy phép vận chuyển chất cháy nổ là như thế nào. Luật sư có thể giải đáp thắc mắc giúp tôi được không ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất về điều kiện đối với phương tiện vận chuyển được quy định tại khoản 1 điều 6 của Thông tư số 66/2014/TT-BCA như sau:
Phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải là phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong hoặc động cơ phòng nổ và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định;
b) Ống xả của động cơ phải được đặt ở vị trí kín hoặc được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
c) Hệ thống điện (kể cả bình ắc quy) phải bảo đảm không phát sinh tia lửa; dây dẫn điện bằng lõi đồng phải bảo đảm cách điện và có tiết diện theo thiết kế;
d) Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy và không phát sinh tia lửa do ma sát;
đ) Phương tiện có mái che chống mưa, nắng;
e) Phương tiện chở chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ có dây tiếp đất. Riêng đối với xe bồn vận chuyển khí đốt hóa lỏng thực hiện theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6484: Khí đốt hóa lỏng – Xe bồn vận chuyển – Yêu cầu an toàn về thiết kế, chế tạo và sử dụng;
g) Có đủ trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
h) Bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
i) Phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường bộ, đường sắt phải có biểu trưng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (mẫu số PC01) ở kính phía trước và hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển;
k) Phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường thủy, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách, tiêu chuẩn cờ, đèn báo hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Thứ hai về điều kiện đối với người vận chuyển được quy định tại khoản 2 điều 6 của Thông tư này như sau:
a) Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
b) Người làm việc, người phục vụ trên phương tiện phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Thứ ba về hồ sơ được quy định tại khoản 3 điều 6 của Thông tư này như sau:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (mẫu số PC02);
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ); giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thủy nội địa); giấy chứng nhận kiểm định bao bì, thùng, xi téc chứa chất, hàng nguy hiểm theo quy định của các Bộ, ngành (nếu có); hợp đồng vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
Thứ tư về cơ quan có thẩm quyền : Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương , Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ( khoản 4 điều 6 của Thông tư này)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ năm về thời hạn: Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện (mẫu số PC05) và cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ (mẫu số PC01); trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do. (khoản 3 điều 6 của Thông tư này)
Thứ sáu về giá trị của giấy phép : Không quá 12 tháng (khoản 5 điều 6 của Thông tư này)
Như vậy qua 6 điểm trên đã có thể giải đáp được thắc mắc của bạn
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.