Gần đây, xuất hiện nhiều cuộc thi hoa hậu và người mẫu thu hút khá nhiều lượt xem từ đông đảo cộng đồng mạng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về thủ tục cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp và người mẫu?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu:
- 2 2. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu:
- 3 3. Quy định pháp luật về điều kiện tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu:
- 4 4. Tổ chức thi người đẹp có sử dụng trang phục trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc thì xử phạt thế nào?
1. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu:
Nhìn chung thì thủ tục cấp giấy phép tổ chức cho cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu sẽ phải trải qua các giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Các chủ thể có nhu cầu xin cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Theo quy định của pháp luật thì để xin cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp thì phải chuẩn bị những giấy tờ cơ bản sau đây:
– 01 đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi theo mẫu do pháp luật quy định hiện nay, phù hợp về mặt nội dung, đồng thời mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp cũng cần phù hợp với pháp luật về mặt hình thức;
– 01 đề án tổ chức cuộc thi, trong đó nêu rõ về thể lệ cuộc thi, quy chế hoạt động của ban tổ chức, ban giám khảo;
– 01 văn bản chấp thuận địa điểm đăng cai tổ chức vòng chung kết cuộc thi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cơ quan cấp phép (không áp dụng đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu cấp tỉnh);
– 01 bản sao chứng thực hợp đồng hoặc
– 01 bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối tượng lần đầu thực hiện thủ tục hành chính và đối tượng trong quá trình hoạt động đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật, nộp bản sao có chứng thực hoặc mang bản gốc để tiến hành đối chiếu).
Bước 2: Sau khi chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì các chủ thể có nhu cầu sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có nhiều cách thức để chủ thể nộp hồ sơ, Có thể nộp trực tiếp thông qua bộ phận một cửa hoặc nộp qua đường bưu điện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và thể thao. Số lượng hồ sơ cần phải gửi đó là 01 bộ. Đặc biệt đối với trường hợp, nếu đó là tổ chức nước ngoài muốn tổ chức cuộc thi người đẹp và các cuộc thi người mẫu quốc tế trên lãnh thổ của Việt Nam thì cần phải phối hợp với các tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật theo đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức Việt Nam nộp hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật nêu trên.
Bước 3: Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên cần phải tiến hành xem xét theo đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Đối với cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu trong nước thì thời hạn xem xét đó là 15 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. còn đối với các cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu quốc tế được tổ chức trên lãnh thổ của Việt Nam thì thời gian xem xét đó là 30 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đủ bộ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cấp giấy phép cho các chủ thể có nhu cầu thì cần phải trả lời bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do chính đáng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch sẽ tiến hành hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ đề nghị lên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành chấp thuận địa điểm đăng cai vòng chung kết cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì các cơ quan nhà nước sau đây có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu đối với các trường hợp:
– Cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc;
– Cuộc thi người mẫu quốc tế tổ chức trên lãnh thổ của Việt Nam;
– Cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức trên lãnh thổ của Việt Nam.
Thứ hai, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu đối với các trường hợp:
– Cuộc thi người mẫu có quy mô toàn quốc;
– Cuộc thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể trung ương.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức trong phạm vi địa phương.
3. Quy định pháp luật về điều kiện tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu:
Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có quy định về điều kiện tổ chức cuộc người đẹp, người mẫu:
– Là đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, đơn vị sự nghiệp này phải có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật;
– Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
– Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, cuộc thi người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động tổ chức cuộc thi trên địa bàn đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có quy định thêm về các hình thức tổ chức cuộc thi người đẹp như sau:
– Cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức;
– Cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu khác không thuộc hình thức quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
– Cuộc thi người đẹp và cuộc thi người mẫu không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
Như vậy, hiện nay có hai hình thức tổ chức cuộc thi người đẹp, đó là tổ chức trong phạm vi nội bộ công ty và tổ chức cuộc thi mở rộng ngoài phạm vi đó.
4. Tổ chức thi người đẹp có sử dụng trang phục trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc thì xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi tổ chức cuộc thi người đẹp có sử dụng trang phục trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc bị áp dụng mức phạt như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi tổ chức thi người đẹp, tổ chức thi người mẫu có nội dung kích động bạo lực; hoặc có nội dung ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; có hành vi vi phạm trong việc sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; có hành vi tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Lưu ý rằng, mức phạt này áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm mức phạt sẽ gấp đôi theo quy định tại Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đồng thời, bị đình chỉ hoạt động tổ chức thi người đẹp từ 6 tháng đến 12 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
– Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.