Mạng viễn thông dùng riêng hiện nay đang được sử dụng khá phổ biến và để sử dụng loại mạng này thì cần được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Vậy thủ tục cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thiết lập mạng viễn thông dùng riêng:
Theo quy định, viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng các hình thức như thông qua: đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác. Mạng viễn thông dùng riêng là mạng được thiết lập bởi tổ chức hoạt động tại Việt Nam thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho nội bộ các thành viên của mạng và việc thiết lập loại mạng này không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng.
Căn cứ Điều 34 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông quy định về thời hạn sử dụng của giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng là không quá 10 năm. Bên cạnh đó tại Điều 37 Văn bản hợp nhất này cũng quy định về những điều kiện để tổ chức được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông đó là: Tổ chức phải cam kết rằng việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng không vì mục đích kinh doanh, thiết lập chỉ để cung cấp dịch vụ cho các thành viên của mạng, về phương án kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia. Đồng thời, tổ chức phải có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
2. Thủ tục cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng:
Căn cứ tại Điều 18 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định về thẩm quyền cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng như sau:
– Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng cho các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
– Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có thẩm quyền cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng đối với những trường hợp không thuộc trường hợp nêu trên.
Căn cứ Điều 26 văn bản hợp nhất quy định thủ tục cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng như sau:
Bước 1: Tổ chức đề nghị cấp giấy phép chuẩn bị hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép, bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
+ Quyết định thành lập, giấy phép hoạt động hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đề nghị cấp phép (Bản sao có chứng thực)
+ Điều lệ, văn bản quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên (Bản sao có chứng thực)
+ Đề án thiết lập mạng phải nêu rõ các thông tin như: mục đích thiết lập mạng; cấu hình mạng; chủng loại thiết bị; dịch vụ sử dụng; thành viên của mạng (nếu có); phạm vi hoạt động, công nghệ sử dụng; tần số, mã, số viễn thông đề nghị sử dụng (nếu có); trang thiết bị và biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Bước 2: Tổ chức đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng nộp 3 bộ hồ sơ tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông (Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông) theo các hình thức sau:
– Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Viễn thông
– Nộp qua hệ thống Bưu chính.
Bước 3:
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ.
– Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ ơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thôngthẩm định, xét cấp phép hoặc trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp phép.
– Nếu từ chối cấp giấy phép, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức đề nghị cấp phép biết. Nếu việc cấp phép phát sinh đòi hỏi phải thẩm tra thêm thì thời hạn xét cấp phép có thể kéo dài nhưng không được quá 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Đối với hồ sơ thiết lập mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp phép trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.
– Lệ phí cấp giấy phép: Mức thu 1.000.000 VNĐ/giấy phép. Phí quyền hoạt động viễn thông: Phí quyền hoạt động viễn thông:100.000.000 VNĐ, nộp một lần cho toàn bộ thời hạn giấy phép, bao gồm cả thời gian gia hạn giấy phép.
3. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng:
Căn cứ tại Điều 18 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định về sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép như sau:
– Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép: Để sửa đổi, bổ sung giấy phép về những thông tin như: tên tổ chức được cấp phép, danh sách thành viên của mạng, cấu hình mạng, phạm vi hoạt động của mạng, loại hình dịch vụ cung cấp, thì trong thời hạn hiệu lực của giấy phép, tổ chức được cấp phép phải gửi 3 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thông qua những hình thức như: thông qua đường bưu chính hoặc gửi trực tiếp và một số hình thức khác. Trong trường hợp nếu thay đổi địa chỉ trụ sở chính, tổ chức được cấp phép chỉ cần thông báo cho cơ quan cấp phép trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức thay đổi mà không phải làm thủ tục bổ sung hay sửa đổi giấy phép viễn thông.
+ Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, trong đơn mô tả chi tiết nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, cần cung cấp thêm các tài liệu khác có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xét cấp sửa đổi, bổ sung hoặc trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nếu cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông từ chối cấp phép sửa đổi, bổ sung thì có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối và các yêu cầu cần thực hiện cho tổ chức đề nghị cấp phép biết.
– Gia hạn giấy phép: Tổ chức được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng muốn gia hạn giấy phép thì nộp 3 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 30 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Đồng thời các tổ chức này phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép.
+ Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm: Đơn đề nghị gia hạn theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; Báo cáo việc thực hiện giấy phép.
+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ.
+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thẩm định, xét gia hạn hoặc trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xét gia hạn. Nếu từ chối gia hạn, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức đề nghị gia hạn biết.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông
Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông