Ngày nay, Nhà nước ban hành chính sách tiền gửi tiết kiệm nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền tại các ngân hàng hay các tổ chức tài chính cũng như đảm bảo hệ thống tài chính quốc gia được ổn định. Vậy, Cấp giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cần thực hiện thủ tục gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi:
- 2 2. Đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi:
- 3 3. Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi do cơ quan nào in?
- 4 4. Làm mất giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi thì phải làm gì?
1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi:
1.1. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm những nội dung gì?
Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 4 Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi ban hành kèm theo Quyết định 408/QĐ-BHTG- HĐQT năm 2016 bao gồm giấy tờ sau:
– Cá nhân cần chuẩn bị 01 đơn đăng ký tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mẫu đơn đăng ký được thực hiện theo Mẫu số 01 đính kèm Quy chế này;
– Đối với các tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì cần có bản sao các loại giấy tờ giấy phép thành lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
– Ngoài ra, cần có thêm bản sao giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bản sao giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
1.2. Thủ tục cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi:
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho người đề nghị theo trình tự quy định tại Điều 14 Luật bảo hiểm tiền gửi 2012 như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Cá nhân tự chuẩn bị những giấy tờ được hướng dẫn tại Mục 1.1 của bài viết này.
Trong thời gian là 15 (mười lăm) ngày trước khi thực hiện việc khai trương hoạt động, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì hồ sơ đã phải được gửi đến tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Các giấy tờ này thể hiện rõ được nội dung đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định.
Bước 2: Tiếp nhận và xem xét hồ sơ
Nếu hồ sơ không hợp lệ thì thông báo và trả lại hồ sơ chưa đúng quy định. Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thành thủ tục này.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì thực hiện cấp giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
Theo quy định, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Bước 4: Niêm yết công khai Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.
Lưu ý:
– Trường hợp thay đổi nội dung Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có sự thay đổi tên tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện việc đề nghị cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 7
– Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có sự thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
(Điều 3 Thông tư
2. Đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi:
Việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được quy định tại khoản 1 Điều 3 Hướng dẫn 915/HD- BHTG năm 2016 như sau:
– Thứ nhất, Phòng Giám sát Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định về phân cấp ủy quyền quản lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (còn được gọi là phân cấp quản lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi);
Phòng Giám sát và Chi nhánh thực hiện kiểm tra hồ sơ theo nội dung Phiếu kiểm tra hồ sơ quy định tại Mẫu số 05 đính kèm Hướng dẫn này.
– Khi xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp lệ thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải tiến hành gửi thông báo đến ngay cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện bổ sung hoặc đính chính hồ sơ.
Phòng Giám sát trình Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (gọi tắt là Tổng giám đốc) ký thông báo gửi tới tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi do Trụ sở chính quản lý. Giám đốc Chi nhánh ký thông báo gửi tới tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi do Chi nhánh quản lý.
– Trên thực tế, xuất hiện những vi phạm khi thực hiện thủ tục kiểm tra hồ sơ đề nghị đã được quy định tại khoản 2 Điều 1 Hướng dẫn 915/HD-BHTG năm 2016, thì phòng Giám sát có trách nhiệm trình Tổng giám đốc ký thông báo về những vấn đề vi phạm gửi tới các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi do Trụ sở chính quản lý; Sau đó, Giám đốc Chi nhánh ký thông báo gửi tới các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi do Chi nhánh quản lý.
3. Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi do cơ quan nào in?
Quá trình in giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm cũng là một trong những khâu quan trọng phải thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định. Hiện nay, Việc in Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 Hướng dẫn 915/HD-BHTG năm 2016. Theo đó, Văn phòng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm trong thực hiện công việc dưới đây:
– Giữa nhiệm vụ in Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi sau khi nhận được Quyết định cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được ký, chuyển phòng Giám sát kiểm tra thông tin trên Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đã in;
– Cơ quan này cần có trách nhiệm trình Tổng Giám đốc ký Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi;
– Sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ in chứng nhận tham gia bảo hiểm thì phải tiến hành gửi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tới tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Ngoài ra, còn phải gửi các Quyết định về cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tới nơi nhận theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 và Mẫu số 04 đính kèm Hướng dẫn 915/HD-BHTG năm 2016;
– Sau khi gửi giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi thì còn phải kiểm soát và có hoạt động xác nhận về việc tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã nhận được Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi;
– Liên quan đến vấn đề thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi:
Phòng Thông tin Tuyên truyền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với phòng Giám sát, Chi nhánh và các đơn vị liên quan thông báo công khai về việc thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền. Việc công khai này được diễn ra trong thời gian năm ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Quá trình công khai được thực hiện bằng cách đăng ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trên một báo điện tử của Việt Nam và trên Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Như vậy, theo quy định, Văn phòng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm in Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo Quyết định cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được ký.
Đồng thời, chuyển phòng Giám sát Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam kiểm tra thông tin trên Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đã in.
4. Làm mất giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi thì phải làm gì?
Hiện nay, cá nhân tổ chức vì một số lý do mà làm cho chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi bị thất lạc hoặc bị hư hỏng thì rất lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, theo Điều 7 Nghị định 68/2013/NĐ-CP thì chủ thể hoàn toàn được cấp lại chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, khi thực hiện thủ tục dưới đây:
– Để được cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nhận được sự đồng ý từ Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép phục hồi hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân;
– Chủ thể làm đơn đề nghị cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và bản sao văn bản cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phục hồi hoạt động nhận tiền gửi. Trong thời gian là 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền nhận được đơn, hồ sơ từ cá nhân, tổ chức thì có trách nhiệm cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nghiêm cấm hành động của cơ quan nhà nước gây khó khăn, cản trở nhu cầu chính đáng của người dân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng:
– Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012;
– Nghị định số 68/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi;
– Thông tư số 24/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi;
– Quyết định 408/QĐ-BHTG-HĐQT ban hành quy chế cấp và thu hồi chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi;
– Hướng dẫn 915/HD-BHTG năm 2016 thực hiện quy chế cấp và thu hồi chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.