Trước những thay đổi khó lường của biến đổi khí hậu làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, công tác cứu nạn cứu hộ là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng để đảm bảo an toàn về tính mạng của con người, tài sản. Dưới đây là quy định của pháp luật về thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn, cứu hộ.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, có quy định về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và hướng dẫn kiến thức về cứu nạn cứu hộ. Theo đó, các chủ thể được hướng dẫn kiến thức về cứu nạn cứu hộ bao gồm:
– Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là một trong những đối tượng được bồi dưỡng và hướng dẫn kiến thức về cứu nạn cứu hộ. Các đối tượng này sẽ phải được đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ trong vấn đề cứu nạn cứu hộ, kỹ năng tham mưu, tổ chức thực hiện công việc cứu nạn cứu hộ, tư vấn các biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu đối với người bị nạn trong trường hợp khẩn cấp, cần phải được đào tạo về kỹ năng sử dụng các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn cứu hộ và các biện pháp cần thiết khác trong quá trình thi hành công vụ;
– Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy và chữa cháy cấp cơ sở, lực lượng dân phòng cũng là một trong những chủ thể cần phải đào tạo và bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn cứu hộ. Những đối tượng này được bồi dưỡng, huấn luyện về pháp luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cần thiết trong lĩnh vực cứu nạn cứu hộ;
– Cá nhân và hộ gia đình cư trú trên địa bàn xã, phường cũng sẽ được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cần thiết và cứu nạn cứu hộ trong đời sống.
Pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định cụ thể về vấn đề cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ. Theo đó, trình tự và thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ được thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1: Cá nhân, tổ chức sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ. Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu theo như phân tích dưới đây. Hồ sơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 2: Cá nhân, tổ chức sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sẽ nộp cho cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ trong trường hợp này thuộc về Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Người đến nộp hồ sơ sẽ phải có
Bước 3: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ và thành phần hồ sơ. Cần phải lưu ý, các văn bản giấy tờ có trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, hoặc bản chụp kèm theo bản chính để các cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành hoạt động đối chiếu. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ viết phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy theo mẫu do pháp luật quy định, sau đó giao cho người nộp hồ sơ. Nếu trong trường hợp nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ thành phần và chưa hợp lệ thì sẽ phải trả lại, hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện hồ sơ, sau đó ghi thông tin vào phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ theo mẫu do pháp luật quy định, giao cho người nộp hồ sơ.
Bước 4: Cá nhân, tổ chức tham gia lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về cứu nạn cứu hộ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra và đánh giá kết quả của các đối tượng trong quá trình tham gia huấn luyện.
Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cá nhân và tổ chức ra đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong trường hợp này được xác định là 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu. Theo đó, trong khoảng thời gian tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đạt yêu cầu, Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ cho các cá nhân đã hoàn thành xong chương trình huấn luyện. Trong trường hợp không cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ thì cần phải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do chính đáng.
2. Thành phần hồ sơ xin cấp chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ:
Theo như phân tích nêu trên, một trong những yêu cầu và điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ đó là cá nhân hoặc tổ chức xin cấp giấy chứng nhận sẽ phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ, sau đó có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu. Về thành phần hồ sơ đề nghị thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ, căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, các cá nhân và tổ chức khi thực hiện hoạt động xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ sẽ cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau đây:
– Đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở thì bộ hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
+ Văn bản đề nghị xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ theo mẫu do pháp luật quy định;
+ Danh sách trích ngang lý lịch, giấy khám sức khỏe có xác nhận của các cơ sở ý tế cấp huyện trở lên đối với người đăng ký dự lớp huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ.
– Đối với cá nhân có nhu cầu được huấn luyện và xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ, thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
+ Đơn đề nghị huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ theo mẫu do pháp luật quy định;
+ Sơ yếu lý lịch của cá nhân thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện cứu nạn cứu hộ;
+ Giấy khám sức khỏe có xác nhận của các cơ sở y tế cấp huyện trở lên.
3. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 08/2018/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sửa đổi bởi Thông tư 02/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân), có quy định về vấn đề kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn và cứu nạn cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Cụ thể như sau:
– Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn trong lĩnh vực cứu nạn cứu hộ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, được kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về vấn đề cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở sẽ được kết hợp với hoạt động kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
– Trách nhiệm trong vấn đề kiểm tra định kỳ, đột xuất được quy định cụ thể như sau:
+ Người có trách nhiệm kiểm tra định kỳ phải thông báo trong khoảng thời gian trước 03 ngày làm việc cho các đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung kiểm tra, thành phần của đoàn kiểm tra;
+ Người có trách nhiệm kiểm tra đột xuất sẽ phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra theo quy định của pháp luật. Các cán bộ làm việc trong cơ quan có thẩm quyền đó là Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra đột xuất sẽ phải xuất trình giấy tờ giới thiệu của các cơ quan trực tiếp quản lý;
+ Đối tượng được kiểm tra sẽ cần phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra đã được thông báo từ trước, sau đó bố trí người có thẩm quyền làm việc với người có trách nhiệm kiểm tra trên thực tế.
– Việc kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về cứu nạn cứu hộ sẽ phải được lập thành biên bản. Biên bản trong trường hợp này sẽ được lập theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
– Thông tư 08/2018/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
– Thông tư 02/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân;
– Thông tư 82/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.