Thủ tục sửa, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ được quy định như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Trường hợp nào phải sửa đổi, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ?
- 2 2. Hồ sơ, thủ tục sửa, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ:
- 3 3. Mẫu đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ:
- 4 4. Thế nào là liệt sĩ và các chế độ được hưởng:
- 5 5. Thân nhân của liệt sĩ được hưởng các chế độ gì?
1. Trường hợp nào phải sửa đổi, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ?
Căn cứ khoản 1 Điều 130 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định trường hợp áp dung sửa đổi, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ gồm:
– Khi người có công đề nghị sửa đổi, bổ sung những thông tin bao gồm:
+ Họ, tên, chữ đệm.
+ Ngày, tháng, năm sinh.
+ Quê quán.
của người có công hoặc thân nhân của họ ghi trong hồ sơ người có công để phù hợp với giấy tờ về hộ tịch.
– Đối tượng là thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có yêu cầu đề nghị sửa đổi, bổ sung những thông tin gồm họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm hy sinh; quê quán; cấp bậc, chức vụ; cơ quan, đơn vị khi hy sinh; trường hợp hy sinh; nơi hy sinh.
– Đối tượng là thân nhân liệt sĩ, thân nhân người có công, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, người hưởng chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác có yêu cầu sửa đổi, bổ sung những thông tin sau của bản thân: họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; quê quán để phù hợp với giấy tờ về hộ tịch.
2. Hồ sơ, thủ tục sửa, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ sửa đổi, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ bao gồm:
– Đơn đề nghị (theo mẫu số 26 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP).
– Đối với người có công cần có bản sao căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân.
– Đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, thân nhân của người có công đã từ trần cần có bản sao căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, người có công, thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; thân nhân của người có công đã từ trần gửi hồ sơ lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ của người có công.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.
Bước 3: Thực hiện ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ của liệt sĩ:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ của liệt sĩ theo mẫu. Thời gian giải quyết là 12 ngày tính từ ngày nhận được văn bản sửa đổi, bổ sung thông tin của cơ quan có thẩm quyền.
Sau đó, gửi thông báo điều chỉnh thông tin đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Mẫu đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ ………………1…………
Kính gửi: …………….2………….
Họ và tên: …………………
Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: …………………..
CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….
Quê quán: ……………………..
Nơi thường trú: …………………….
Số điện thoại: ………………..
Thuộc diện người có công3: ……………………
Thông tin đang ghi trong hồ sơ: ………………
Thông tin đề nghị sửa đổi, bổ sung: …………………..
…., ngày… tháng… năm… | ………., ngày … tháng … năm ..…… |
___________________
Ghi chú:
1 Ghi rõ tên hồ sơ người có công (ví dụ: hồ sơ liệt sĩ, hồ sơ thương binh…).
2 Đối với hồ sơ do ngành LĐTBXH quản lý thì gửi Sở LĐTBXH nơi quản lý hồ sơ. Đối với hồ sơ do quân đội, công an đang quản lý thì gửi cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ.
3 Ghi rõ diện đối tượng người có công (thương binh, bệnh binh…). Trường hợp không phải là người có công phải ghi rõ mối quan hệ với người có công.
4 Đối với hồ sơ do ngành LĐTBXH quản lý thì UBND cấp xã nơi người đề nghị thường trú xác nhận. Đối với hồ sơ do quân đội, công an đang quản lý thì gửi cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp xác nhận.
4. Thế nào là liệt sĩ và các chế độ được hưởng:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng, đối tượng được công nhận là người có công với cách mạng bao gồm:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.
– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
– Liệt sỹ.
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
– Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
– Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
– Đối tượng là thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993.
– Đối tượng được hưởng chính sách như thương binh.
– Bệnh binh.
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
– Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.
– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.
– Người có công giúp đỡ cách mạng.
Theo khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng, liệt sĩ chính là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi thuộc các trường hợp theo luật định, cụ thể là:
+ Phải tham gia chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
+ Tham gia làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng.
+ Trực tiếp tham gia đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch.
+ Tham gia làm nghĩa vụ quốc tế.
+ Thực hiện các hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh.
+ Đối với các nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh sẵn sàng tham gia.
+ Tham gia nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm như sử dụng thuốc nổ; chữa cháy; bắn đạn thật; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập của lực lượng: không quân, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm,…
+ Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Liệt sĩ được hưởng các chế độ, chính sách như sau:
– Được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng và ghi danh tại công trình ghi công liệt sỹ.
– Được truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.
– Hỗ trợ tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính và an táng hài cốt liệt sỹ.
– Giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với những liệt sỹ không còn thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
5. Thân nhân của liệt sĩ được hưởng các chế độ gì?
– Được cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” theo quy định.
– Khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần.
– Hưởng trợ cấp tuất hàng tháng:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, con liệt sỹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, người có công nuôi liệt sỹ.
+ Vợ hoặc chồng liệt sỹ.
– Hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng: nếu như cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, vợ hoặc chồng liệt sỹ sống cô đơn, con liệt sỹ mồ côi cả cha mẹ.
– Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, vợ hoặc chồng, con liệt sỹ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng: Hai năm một lần điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
– Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, vợ hoặc chồng, con liệt sỹ: hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
– Được hưởng các chế độ ưu đãi quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020.
– Được hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sỹ; di chuyển hài cốt.
– Vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống, được hưởng các chế độ sau:
+ Trợ cấp tuất hàng tháng.
+ Chế độ bảo hiểm y tế.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng.
Quyết định số 627/QĐ-LĐTBXH.
Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.