Mô hình hộ kinh doanh được xem là đơn vị kinh tế tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên bốn và sức lao động của từng thành viên, hộ kinh doanh là thành phần kinh tế đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới đây là thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh đối với hộ kinh doanh.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh:
Trình tự và thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong quá trình hoạt động, nhiều hộ kinh doanh có nhu cầu mở rộng phạm vi ngành nghề kinh doanh của mình, khi đó cần phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Quá trình thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh cần phải tuân thủ theo quy định tại Điều 89 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Theo đó, quy trình bổ sung ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh được thực hiện như sau:
Bước 1: Hộ kinh doanh có nhu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ để nộp tới cơ quan có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ yêu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây:
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu do pháp luật quy định, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu tại phụ lục III-2 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải lưu ý, khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh cần phải ghi rõ là nghề kinh doanh trên thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đó;
– Biên bản họp về việc thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập;
– Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền nếu đó không phải là cá nhân thành lập hoặc người đại diện của hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh;
– Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền để thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh;
– Các giấy tờ khác khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Phòng kế hoạch tài chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Có thể nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc đột thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Phòng tài chính kế hoạch tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết hồ sơ và trả kết quả. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính trong trường hợp này là giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới của hộ kinh doanh. Khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới trong trường hợp đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh bắt buộc phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã được cấp trước đó.
2. Xử phạt hộ kinh doanh thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh:
Theo như phân tích nêu trên, khi hộ kinh doanh có nhu cầu mở rộng, bổ sung ngành nghề kinh doanh, cần phải thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh. Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Có hành vi không thông báo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
– Thay đổi chủ hộ kinh doanh tuy nhiên không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã thực hiện thủ tục đăng ký;
– Có hành vi tạm ngưng hoạt động kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền tuy nhiên không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã thực hiện thủ tục đăng ký;
– Chuyển địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh tuy nhiên không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện;
– Có hành vi chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, tuy nhiên không thực hiện thủ tục thông báo tại cơ quan có thẩm quyền, hoặc không nộp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện khi được yêu cầu;
– Thay đổi ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh tuy nhiên không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
– Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau tuy nhiên không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi đặt trụ sở của hộ kinh doanh, không thông báo cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường.
Theo đó thì có thể nói, mức xử phạt nêu trên là mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm, trong trường hợp cá nhân vi phạm thì sẽ được xác định bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức trong cùng một hành vi vi phạm. Theo đó, hộ kinh doanh có sự thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh tuy nhiên không thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh thì có thể bị phạt tiền với mức tối đa là 10.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là bắt buộc phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện để thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh mới của hộ kinh doanh.
3. Hộ kinh doanh không phải nộp thuế GTGT và thuế TNDN trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (sửa đổi tại Thông tư 100/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính), có quy định cụ thể về nguyên tắc tính thuế. Cụ thể như sau:
– Nguyên tắc tính thuế áp dụng đối với các chủ thể là cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch với mức thu từ 100.000.000 đồng trở xuống thì thuộc các trường hợp không cần phải nộp thuế giá trị gia tăng và đồng thời cũng không cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ khai thuế một cách chính xác, đầy đủ phải vô tư khách quan, trung thực, kịp thời, đồng thời có nghĩa vụ nộp hồ sơ thuế đúng hạn tại cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực và tính đầy đủ, tính vô tư khách quan của hồ sơ khai thuế, các loại giấy tờ và tài liệu kèm theo nộp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
– Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, theo hình thức hộ gia đình ở thì mức doanh thu từ 100.000.000 đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xác định cho một người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân/hộ gia đình trong năm tính thuế.
Theo đó thì có thể nói, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch với mức thu từ 100.000.000 đồng trở xuống thì sẽ thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Kế toán do Văn phòng Quốc hội ban hành;
– Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
THAM KHẢO THÊM: