Hành vi lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng đã diễn ra cách đây khá lâu, song thời gian gần đây nó đã tái xuất với những thủ đoạn tinh vi hơn. Vậy thủ đoạn lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng thể hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ đoạn lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng:
1.1. Thực trạng lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng:
Hành vi lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng đã diễn ra cách đây khá lâu, song thời gian gần đây nó đã tái xuất với những thủ đoạn tinh vi hơn. Đã có những người dân bị đối tượng chiếm đoạt số tiền lên đến cả vài trăm triệu đồng qua hình thức này. Đây là một trong các chiêu trò mà kẻ lừa đảo sử dụng để nói với bị hại, nhằm để tạo lòng tin cho họ. Thoạt nghe thì đã “thấy sai sai”, song có không ít người dân vẫn dính bẫy.
Ví dụ một trường hợp, theo Báo Công an nhân dân đưa tin, Chị Hoàng Thị M. (trú tại một huyện ở miền núi của tỉnh Thanh Hóa) kể rằng một buổi sáng chị nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông đã thông báo một tin vui bất ngờ cho chị, đó là số điện thoại của chị đã may mắn được trúng giải đặc biệt của nhà mạng V do nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Giải thưởng gồm hiện vật là một chiếc xe máy trị giá 38 triệu đồng và số tiền 200 triệu đồng tiền mặt. Đối tượng còn nhắn với chị dọn sạch sẽ nhà cửa để 5 giờ chiều có chú Lại Văn Sâm và có 5 cán bộ công an về trao giải thưởng cho chị. Ban đầu thì chị M cũng không tin nhưng tiếp theo đó lại có một người phụ nữ tự xưng là giám đốc chi nhánh ở tỉnh Thanh Hóa, khẳng định về giải thưởng, đồng thời người này bảo chị khẩn trương photo giấy chứng minh nhân dân để được lĩnh thưởng. Nghe đến đây thì chị M đã tin sái cổ và khi đối tượng nam gọi lại nhắn chị đi mua 10 chiếc thẻ cào điện thoại với mệnh giá 500 ngàn đồng để đóng thuế, phí trao giải thì chị đã răm rắp nghe theo. Không có sẵn tiền, chị đã phải đi vay bạn bè thì mới mua đủ 10 thẻ cào rồi nhắn cho hắn. Rồi chị M lại lao vào dọn dẹp nhà cửa, ăn uống cũng qua loa rồi ngồi chờ từ chiều đến đêm khuya mà cũng không thấy bất kỳ đoàn khách nào đến. Gọi điện thoại cho cả hai đối tượng đều trong tình trạng “ò í e…”.
1.2. Thủ đoạn lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng:
Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc để chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng về sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin đã mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng đã tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác và đánh vào điểm yếu nhất – đó là con người, áp dụng nhiều các biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Những hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, đặc biệt là thủ đoạn lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng, một hình thức lừa đảo tưởng chừng đã rất “xưa” nhưng dạo gần đây lại quay trở lại và thủ đoạn còn tinh vi hơn rất nhiều.
Thủ đoạn lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng được thực hiện qua rất nhiều hành vi, điển hình như:
– Chiếm đoạt tài khoản các trang mạng xã hội để nhắn tin lừa nạp thẻ điện thoại, thẻ trò chơi;
– Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng Nhà nước, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho các nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu nạp thẻ điện thoại để chứng minh tài chính;
– Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng. Sau khi nạn nhân đồng ý làm cộng tác viên, những đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều số điện để tiếp cận đặt thẻ, nạn nhân thấy có khách hàng đặt thẻ nên đã liên hệ đến những người lừa đảo kia nhập số thẻ điện thoại khá lớn. Sau khi chuyển tiền để “lấy hàng”, những đối tượng lừa đảo đã lập tức chặn hết các phương thức liên lạc với nạn nhân;
– Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin;
– Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân….
Nhìn chung, mục tiêu cuối cùng của hành vi lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng đều là chiếm đoạt tài sản. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin của người dân, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
2. Hành vi lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng bị xử lý như thế nào?
Hành vi lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau:
2.1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác (hành vi lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng) trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng (số tiền lừa đảo được khi dùng thủ đoạn lừa đảo bán thẻ điện thoại, thẻ trò chơi trên mạng) nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290, người này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
2.2. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác:
Khung 1: Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của những người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, vào mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác để chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; có hành vi lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép những dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
– Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
– Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
– Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; đối với hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
– Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
– Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
2.3. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản:
Khung 1: Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu như không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
– Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
– Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
– Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc là giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
– Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
– Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
– Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015;
– Bộ luật Hình sự 2017.