Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH 12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật;
Căn cứ Nghị định số 33 /2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, chống dịch bệnh dại cho chó, mèo và một số động vật khác cảm nhiễm với bệnh dại.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán chó, mèo, động vật khác cảm nhiễm với bệnh dại.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây bệnh ở động vật và người, gây nên những cái chết với triệu chứng rất thảm khốc. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã. Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Thời gian ủ bệnh ở con vật có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10-15 ngày phát bệnh thường thải vi rút qua nước bọt gây nhiễm cho người, gia súc khác qua vết cào, cắn, liếm.
2. Tác nhân gây bệnh dại: Bệnh dại ở người và động vật do Lyssa virus và Vesiculo virus thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Vi rút gây bệnh dại ở Việt Nam có tính kháng nguyên tương đối ổn định, ít có sự thay đổi, biến dị.
3. Chẩn đoán bệnh dại:
a) Phương pháp giải phẫu vi thể: Xác định tiểu thể Negri có trong tổ chức não (Trong não của chó mắc bệnh dại có thể Nêgri). Thể Nêgri có hình dạng thay đổi, đó là những hạt nhỏ hình tròn, hình trứng, hình bầu dục, kích thước biến động từ 0,5 – 30µ, chúng thường được tìm thấy trong nơ ron thần kinh, chủ yếu ở sừng Ammon, còn ở trong tế bào tiểu não thì có ít hơn. Thể Nêgri là dấu hiệu đặc thù của bệnh dại, khi phát hiện ra thể Nêgri trong tế bào não của động vật ốm, có thể chẩn đoán, xác định là con vật mắc bệnh dại.
b) Phương pháp phát hiện kháng nguyên vi rút: Xác định bệnh dại qua việc phát hiện kháng nguyên vi rút dại trong mẫu bệnh phẩm cho kết quả nhanh và chính xác đang được áp dụng như kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang, tiêm truyền động vật thí nghiệm.
4. Sức đề kháng của vi rút dại: Vi rút dại có sức đề kháng yếu trong thiên nhiên. Ở nhiệt độ 56oC, vi rút dại bị vô hoạt trong 30 phút, ở 80oC trong 2 phút. Vi rút mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát trùng ở nồng độ 2-5%. Các chất tẩy rửa như nước xà phòng (bột giặt) có thể tiêu hủy vi rút dại ở vết thương do hòa tan lớp vỏ lipoprotein của chúng.
Vi rút dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể động vật mắc bệnh. Ở chó, mèo mắc bệnh khi vi rút theo nước bọt ra ngoài cũng không tồn tại được lâu.
5. Cách lây truyền:
Việc lây truyền vi rút dại giữa động vật với động vật và giữa động vật với người chủ yếu xảy ra qua các vết cắn, vết liếm, tiếp xúc trực tiếp, nhiễm qua niêm mạc bị tổn thương, cũng có thể do cấy ghép phủ tạng của người bị bệnh dại nhưng không được phát hiện. Nếu ở vùng có dịch bệnh dại, các chất thải (nước dãi, nước tiểu…) của động vật bị dại chứa hàm lượng vi rút dại cao cũng có nguy cơ lây nhiễm đối với các động vật đã có vết thương hở. Ở thời kỳ tiền lâm sàng vi rút dại đã có trong nước bọt của chó và mèo, vì vậy tại thời điểm này nếu người bị chó, mèo cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật thì người rất dễ bị lây nhiễm vi rút dại, tuy nhiên do con vật chưa có triệu chứng lâm sàng nên người dễ bị bỏ qua mà không chú ý đề phòng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568