Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG
CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây viết tắt là Luật TNBTCNN) về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án (sau đây gọi chung là người đã tiến hành tố tụng) gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Điều 2. Các trường hợp Tòa án có trách nhiệm bồi thường
Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong các trường hợp sau đây:
1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đây viết tắt là BPKCTT) trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (trong các trường hợp được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 28 Luật TNBTCNN)
a) Áp dụng BPKCTT trong hoạt động tố tụng dân sự
a1) Người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự số 65/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011 (sau đây viết tắt là BLTTDS).
Ví dụ: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo quy định tại khoản 9 Điều 102 và Điều 111 BLTTDS về việc cho bán hàng hóa là thực phẩm đông lạnh đang tranh chấp mà bị đơn đang chiếm giữ, nhưng Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT buộc bị đơn đang chiếm giữ hàng hóa này phải bán ngay ra thị trường. Sau đó, đương sự khiếu nại đề nghị Tòa án hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT nêu trên. Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp này, nếu đương sự có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do việc áp dụng BPKCTT của Tòa án gây ra thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
a2) Người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 BLTTDS khi không có đủ các điều kiện theo quy định tại các điều 103, 104, 105, 106 và 107 của BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 3
a3) Người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Ví dụ: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo quy định tại khoản 8 Điều 102 và Điều 110 BLTTDS về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, nhưng Tòa án áp dụng BPKCTT kê biên tài sản đang tranh chấp theo quy định tại khoản 6 Điều 102 và Điều 108 BLTTDS. Đương sự khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án nêu trên, Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp này, nếu đương sự có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do việc áp dụng BPKCTT của Tòa án gây ra thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
a4) Người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Ví dụ: Công ty A có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo quy định tại khoản 10 Điều 102 và Điều 112 BLTTDS về việc phong tỏa tài khoản năm trăm triệu đồng tại Ngân hàng Z của Công ty B. Tuy nhiên, Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT phong tỏa toàn bộ tài khoản 10 tỷ đồng của Công ty B tại Ngân hàng Z. Công ty B có đơn khiếu nại quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án, Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT nêu trên.
Trong trường hợp này, nếu người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại và có thiệt hại thực tế phát sinh do Tòa án áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu của người yêu cầu, thì Tòa án có trách nhiệm xem xét việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.