Thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BCT-BTC về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ
Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu
_____________________
Căn cứ
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ
Căn cứ
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu; kiểm tra và giám sát việc thực hiện các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở, việc thực hiện trích lập, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (sau đây gọi tắt là Quỹ Bình ổn giá).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Thông tư này không áp dụng đối với: thương nhân nhập khẩu, sản xuất và pha chế các loại xăng, dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không bán ra thị trường theo quy định của pháp luật; thương nhân được phép nhập khẩu xăng, dầu vào trong nước theo quy định của Luật Đầu tư để làm hàng mẫu quảng cáo, dự hội chợ triển lãm, hoặc là hàng viện trợ hoàn lại và không hoàn lại; thương nhân sản xuất xăng, dầu bán xăng, dầu cho thương nhân nhập khẩu xăng, dầu; thương nhân đầu mối mua lại xăng, dầu thành phẩm của thương nhân đầu mối khác để cung ứng ra thị trường trong nước; thương nhân đầu mối có lượng xăng, dầu thành phẩm mua về làm nguyên liệu để sản xuất, pha chế thành xăng, dầu thành phẩm khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568