Thông tư 144/2008/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2008 về chế độ đối với quân nhân tham gia chống Mỹ cứu nước.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 142/2008/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 10 NĂM 2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CÓ DƯỚI 20 NĂM CÔNG TÁC TRONG QUÂN ĐỘI ĐÃ PHỤC VIÊN, XUẤT NGŨ VỀ ĐỊA PHƯƠNG
Thi hành Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (sau đây gọi tắt là Quyết định số142/2008/QĐ-TTg) Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I . ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG CHẾ ĐỘ
1. Đối tượng và điều kiện áp dụng
Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;
b. Đã chuyển ngành rồi thôi việc;
c. Đã phục viên, xuất ngũ một thời gian rồi tiếp tục công tác (tái ngũ; làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội), sau đó lại phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
2. Đối tượng không áp dụng
a. Những người thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 nêu trên nhưng hiện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng; hoặc hiện đang công tác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
b. Người những phản bội, đầu hàng địch; người vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân; người tính đến ngày Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành mà đang chấp hành án tù chung thân hoặc bị kết án một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích;
c. Người xuất cảnh ra nước ngoài bất hợp pháp; người xuất cảnh và ở lại nước ngoài bất hợp pháp (bao gồm cả người đi lao động hợp tác quốc tế);
d. Người đã hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1
đ. Người đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
II. CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG
1. Cách tính thời gian hưởng
a. Thời gian tính hưởng chế độ là thời gian công tác thực tế trong quân đội từ khi nhập ngũ đến khi phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành.
Đối với các trường hợp chuyển ngành rồi thôi việc; hoặc đã phục viên, xuất ngũ một thời gian rồi tiếp tục công tác (như: tái ngũ; làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội), sau đó lại phục viên, xuất ngũ, thôi việc, thì thời gian chuyển ngành và thời gian làm việc ngoài quân đội không được tính hưởng chế độ.
b. Thời gian công tác thực tế trong quân đội nếu gián đoạn được cộng dồn để tính hưởng chế độ.
c. Thời gian hưởng chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính là một năm, dưới 6 tháng được tính là nửa năm (1/2 năm).
2. Chế độ trợ cấp hàng tháng
a. Đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I Thông tư này, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong quân đội, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, tính theo số năm công tác thực tế. Mức hưởng cụ thể như sau:
– Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 600.000 đồng/tháng;
– Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 630.000 đồng/tháng;
– Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 660.000 đồng/tháng;
– Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 690.000 đồng/tháng;
– Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 720.000 đồng/tháng;
Ví dụ 1. Ông Nguyễn Văn A, nhập ngũ tháng 2/1961, phục viên (xuất ngũ) về địa phương tháng 8/1978.
Cách tính hưởng chế độ đối với ông Nguyễn Văn A như sau:
Thời gian công tác thực tế trong quân đội của ông Nguyễn Văn A từ tháng 2/1961 đến tháng 8/1978 là 17 năm 7 tháng. Mức hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là 660.000 đồng/tháng.
>>> Luật sư