Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT quy định về đấu tranh chống sản xuất bà buôn bán hàng giả.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI – BỘ TÀI CHÍNH- BỘ CÔNG AN – BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 10/2000//TTLT- BTM-BTC-BCA-BKHCNMT NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31/1999/CT-TTg NGÀY 27/10/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẤU TRANH CHỐNG SẢN XUẤT VÀ BUÔN BÁN HÀNG GIẢ
Thi hành Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả ,Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn việc tổ chức thực hiện như sau:
I- NGUYÊN TẮC CHUNG
1- Đấu tranh chống hàng giả là nhiệm vụ của tất cả các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và của toàn dân.
2- Mọi hành vi sản xuất, gia công, chế biến, bao gói, lắp ráp, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại hàng giả phát hiện được phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Tang vật là hàng giả, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, buôn bán hàng giả bị xử lý tịch thu (trừ trường hợp đặc biệt có quy định riêng). Các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
3- Khi xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, cơ quan có thẩm quyền xử lý phải căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định trong
4- Nếu vụ việc có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ Luật hình sự thì cơ quan kiểm tra phát hiện chuyển hồ sơ cùng với tang vật vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra xử lý hình sự.
5- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu thông hàng hoá không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Các tiêu chuẩn chất lượng gồm: tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn cơ sở hoặc quốc tế phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi xuất xứ hàng hoá được Nhà nước bảo hộ và quy chế ghi nhãn hàng hoá.
6- Thông tư này không điều chỉnh những loại hàng hoá mang tên hàng giả được người tiêu dùng thừa nhận như: răng giả, đồ giả cổ, chân tay giả, hoa giả…
II – GIẢI THÍCH MỘT SỐ THUẬT NGỮ TRONG THÔNG TƯ NÀY
1- Nhãn hàng hoá: Là bản viết, bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài chắc chắn trên hàng hoá hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hoá đó.
2- Nhãn hiệu hàng hoá: Là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
3- Tên hàng hoá: Là tên gọi cụ thể của sản phẩm, hàng hoá nói lên bản chất của hàng hoá đã được tiêu chuẩn hoá hoặc đã quen thuộc với người tiêu dùng.
4- Tên gọi xuất xứ hàng hoá: Là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.
5- Kiểu dáng công nghiệp: Là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó có tính mới đối với thế giới dùng làm mẫu để sản xuất sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
III- HÀNG GIẢ
Hàng hoá có một trong các dấu hiệu sau đây được coi là hàng giả:
1- Hàng giả chất lượng hoặc công dụng.
1.1- Hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng như bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.
1.2- Hàng hoá đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng; không có hoặc có ít dược chất, có chứa dược chất khác với tên dược chất ghi trên nhãn hoặc bao bì; không có hoặc không đủ hoạt chất, chất hữu hiệu không đủ gây nên công dụng ; có hoạt chất, chất hữu hiệu khác với tên hoạt chất, chất hữu hiệu ghi trên bao bì.
1.3- Hàng hoá không đủ thành phần nguyên liệu hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu, phụ tùng khác không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đã công bố, gây hậu quả xấu đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
1.4- Hàng hoá thuộc danh mục Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng mà không thực hiện gây hậu quả xấu đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường .
1.5- Hàng hoá chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn mà sử dụng giấy chứng nhận hoặc dấu phù hợp tiêu chuẩn (đối với danh mục hàng hoá bắt buộc).
2- Giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá:
2.1- Hàng hoá có nhãn hiệu hàng hoá trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đang được bảo hộ cho cùng loại hàng hoá kể cả nhãn hiệu hàng hoá đang được bảo hộ theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, mà không được phép của chủ nhãn hiệu.
2.2- Hàng hoá có dấu hiệu hoặc có bao bì mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ hoặc với tên gọi xuất xứ hàng hoá được bảo hộ.
2.3- Hàng hoá, bộ phận của hàng hoá có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ mà không được phép của chủ kiểu dáng công nghiệp.
2.4- Hàng hoá có dấu hiệu giả mạo về chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá gây hiểu sai lệch về nguồn gốc, nơi sản xuất, nơi đóng gói, lắp ráp hàng hoá.
3- Giả về nhãn hàng hoá
3.1- Hàng hoá có nhãn hàng hoá giống hệt hoặc tương tự với nhãn hàng hoá của cơ sở khác đã công bố .
3.2- Những chỉ tiêu ghi trên nhãn hàng hoá không phù hợp với chất lượng hàng hoá nhằm lừa dối người tiêu dùng.
3.3- Nội dung ghi trên nhãn bị cạo, tẩy xoá, sửa đổi, ghi không đúng thời hạn sử dụng để lừa dối khách hàng .
4- Các loại ấn phẩm đã in sử dụng vào việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả:
4.1- Các loại đề can, tem sản phẩm, nhãn hàng hoá, mẫu nhãn hiệu hàng hoá, bao bì sản phẩm có dấu hiệu vi phạm như: trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hàng hoá cùng loại, với nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi xuất xứ hàng hoá được bảo hộ.
4.2- Các loại hoá đơn, chứng từ, chứng chỉ, tem, vé, tiền, ấn phẩm có giá trị như tiền, ấn phẩm và sản phẩm văn hoá giả mạo khác.
IV- HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG
Hàng hoá có một trong các dấu hiệu sau đây được coi là hàng kém chất lượng:
1- Hàng hoá có giá trị sử dụng, công dụng nhưng các chỉ tiêu, thành phần cấu tạo về chất lượng chưa đầy đủ như công bố trên nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo, tiếp thị nhưng không gây hại đến sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
2- Hàng hoá có một trong các chỉ tiêu chất lượng thuộc danh mục bắt buộc áp dụng thấp hơn mức chất lượng tối thiểu đã công bố, nhưng không gây hại đến sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
3- Hàng hoá có chất lượng thực tế thấp hơn mức ghi trên nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo công bố nhưng không gây hại đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật.
4- Hàng hoá cũ tân trang, sửa chữa lại rồi giả mạo hàng mới để lừa dối khách hàng , bán theo đơn giá của hàng mới.
5- Hàng hoá đã bị đưa thêm tạp chất hoặc các nguyên liệu khác làm thay đổi định lượng của hàng hoá, nhưng không gây hại đối với sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
V- KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ HÀNG GIẢ
1- Đối tượng kiểm tra:
– Hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc phạm vi kiểm tra và xử lý theo Thông tư này bao gồm hàng sản xuất trong nước, hàng gia công, chế biến, lắp ráp, đóng gói, để trong kho, đang bày bán, vận chuyển trên đường, trưng bày giới thiệu, chào hàng, khuyến mại và hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
2- Địa bàn cần chứ ý kiểm tra:
– Các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sông, tuyến biên giới.
– Nơi in ấn tem, nhãn mác giả, bao bì giả, ấn phẩm giả .
– Các tụ điểm sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp hàng giả, nơi chứa chấp hàng giả.
– Các đầu mối bán buôn, phát luồng hàng giả.
– Các điểm bán lẻ và phương tiện vận chuyển hàng giả.
3- Phân công địa bàn kiểm tra và nội dung phối hợp
3.1 – Phân công địa bàn:
– Lực lượng Hải quan, lực lượng Bộ đội Biên phòng: có trách nhiệm tổ chức việc chống hàng giả xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu, trên biên giới đất liền và trên biển theo nhiệm vụ của từng ngành.
– Lực lượng Quản lý thị trường có trách nhiệm:
+ Thanh tra, kiểm tra chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ở thị trường nội địa.
+ Chủ trì tổ chức phối hợp với các lực lượng Thanh tra chuyên ngành, các lực lượng có chức năng chống hàng giả, hàng kém chất lượng khác trên địa bàn.
– Lực lượng Công an có trách nhiệm:
+ Điều tra, khám phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả đặc biệt là giấy tờ, hoá đơn, tem, tiền và các ấn phẩm có giá trị như tiền.
+ Phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra ở các ngành các cấp chống hàng giả khi có yêu cầu.
– Các lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành: có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra chống hàng giả đối với hàng hóa, thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành, đồng thời phối hợp với các lực lượng có chức năng chống hàng giả để tiến hành thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.
3.2- Nội dung phối hợp:
– Phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về:
+ Diễn biến tình hình hàng giả , quy luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả.
+ Chủ trương, chính sách, kế hoạch có liên quan đến công tác chống hàng giả của ngành, địa phương.
– Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm:
+ Xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra.
+ Cử cán bộ tham gia việc thanh tra, kiểm tra.
+ Hỗ trợ phương tiện kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh tra, kiểm tra.
+ Tiến hành thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, giám định, thẩm định hàng giả.
+ Tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hoặc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
– Phối hợp trong việc xử lý vi phạm về hàng giả đối với những vụ việc phức tạp. Trường hợp không thống nhất được biện pháp xử lý thì báo cáo Ban chỉ đạo 31 ở địa phương hoặc Trung ương quyết định.
– Phối hợp trong việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có đóng góp trong việc phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về hàng giả.
– Phối hợp với cơ sở sản xuất kinh doanh hợp pháp, các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp để xác định hàng giả.
4- Mặt hàng: Bao gồm các loại hàng ghi ở mục III và hàng kém chất lượng ở mục IV Thông tư này, tập trung kiểm tra, xử lý các loại hàng hoá sau đây:
– Lương thực, thực phẩm chế biến, các loại phụ gia thực phẩm, đồ uống.
– Hàng mỹ phẩm.
– Thuốc, vắc xin và các chế phẩm phục vụ phòng chữa bệnh cho người.
– Vật tư nông nghiệp, thuỷ sản: các loại cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi .
– Hoá đơn, chứng từ , tiền , chứng chỉ, các ấn phẩm, tác phẩm nghệ thuật và các ấn phẩm khác.
– Vật liệu xây dựng, máy móc, phụ tùng, nhiên liệu, nguyên liệu, phương tiện giao thông.
5- Giám định, thẩm định hàng giả, hàng kém chất lượng:
5.1- Khi kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng các lực lượng có chức năng phải lập biên bản và xử lý vi phạm theo đúng quy định. Trường hợp chưa đủ căn cứ khẳng định là hàng giả, hàng kém chất lượng thì phải lấy mẫu theo đúng quy định gửi đến cơ quan nhà nước có chức năng để giám định, thẩm định.
5.2- Các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám định, thẩm định các mẫu hàng hoá, ấn phẩm khi các cơ quan kiểm tra, kiểm soát yêu cầu.
5.3- Trong khi đang sắp xếp lại hệ thống cơ quan giám định, thẩm định các cơ quan kiểm tra chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Thương mại (Cục Quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường), Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an và các cơ quan có chức năng khác thuộc các Bộ, ngành được công nhận có trách nhiệm tiến hành giám định, thẩm định các mẫu hàng giả, hàng kém chất lượng quy định tại điểm 1 mục III và IV Thông tư này, do các cơ quan thanh tra, kiêm tra chống hàng giả ở các ngành, các cấp gửi đến trong thời hạn pháp luật quy định và chịu trách nhiệm về kết quả, kết luận của mình.
5.4- Cục Sở hữu công nghiệp Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm và thẩm quyền giám định, thẩm định đối với loại hàng giả quy định tại điểm 2 mục III Thông tư này.
5.5- Các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện giám định, thẩm định hàng giả quy định tại điểm 4 mục III Thông tư này .
6- Xử lý hàng giả:
6.1- Tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu đang làm thủ tục Hải quan theo các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
6.2- Tổ chức tiêu huỷ theo quy định hiện hành của Nhà nước:
– Hàng hoá, vật phẩm không có giá trị sử dụng.
– Hàng hoá không đảm bảo mức chất lượng tối thiểu gây hại đối với sản xuất hoặc tính mạng, sức khoẻ người, động vật, thực vật và môi sinh, môi trường.
– Các loại đề can, tem, nhãn hàng hoá mẫu nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hoá , hoá đơn, chứng từ, tiền , ấn phẩm được xác định là giả .
6.3- Được lưu thông phải tuân thủ các điều kiện sau:
– Là hàng hoá có giá trị sử dụng nhưng phải loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá (nhãn mác, bao bì vi phạm …) và
– Gia công, chế biến lại để hàng hoá đảm bảo tính hợp pháp khi lưu thông hoặc tận dụng làm nguyên liệu.
VI- KINH PHÍ, PHƯƠNG TIỆN CHỐNG HÀNG GIẢ
1- Các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra chống hàng giả được cấp và sử dụng kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả, bao gồm:
– Lực lượng Hải quan.
– Lực lượng Biên phòng.
– Lực lượng Công an.
– Lực lượng Quản lý thị trường.
– Các lực lượng Thanh tra chuyên ngành.
2- Kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả bao gồm:
– Ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm .
– Toàn bộ số tiền xử phạt hành chính thu về và tiền bán hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu của các vụ việc xử lý về hàng giả được ngân sách Nhà nước để lại chi cho hoạt động chống hàng giả.
– Các khoản đóng góp tự nguyện (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
– Một phần nguồn hỗ trợ từ nguồn thu chống buôn lậu trên địa bàn .
3- Kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả được sử dụng để chi cho những việc sau:
– Mua sắm, sửa chữa phương tiện, dụng cụ; chi cho công tác bắt giữ, tiêu huỷ, bốc dỡ, bảo quản, vận chuyển hàng hoá, tang vật vi phạm; phát hiện, thẩm tra, xác minh, xử lý vi phạm; tuyên truyền, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết việc đấu tranh chống hàng giả; tổ chức thông tin, nhân mối, mua tin để phát hiện vi phạm; kiểm nghiệm, giám định, thẩm định; bồi dưỡng làm ngoài giờ; trợ cấp cho cán bộ chiến sĩ hoặc gia đình bị tai nạn, bị thương, bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ; trích thưởng cho tổ chức và cá nhân có công đóng góp trong công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả .
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Để tổ chức thực hiện Chỉ thị số 31-1999/CT/TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả và Thông tư này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
1.1- Bộ Thương mại:
– Chủ trì tổ chức sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan ở trung ương trong việc chỉ đạo công tác chống hàng giả.
– Chủ trì tổ chức việc kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương trong công tác chống hàng giả.
– Đề xuất chủ trương, biên pháp cần thiết chống hàng giả trong từng thời điểm, bàn bạc thống nhất với các Bộ, Tổng cục để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo các địa phương.
– Yêu cầu các Bộ, Tổng cục phối hợp, cung cấp lực lượng, phương tiện để ngăn chặn bắt giữ kịp thời các vụ vi phạm về hàng giả hoặc tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành khi cần thiết.
– Tổ chức thông tin, tổng hợp báo cáo về tình hình và công tác chống hàng giả của các ngành, các cấp ở địa phương và trên cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các Bộ, Tổng cục.
– Định kỳ tổ chức họp liên Bộ, Tổng cục để kiểm điểm rút kinh nghiệm và bàn biện pháp phối hợp chỉ đạo trong thời gian tới.
1.2- Bộ Công an:
– Điều tra phát hiện các đối tượng và ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả lớn đặc biệt chú ý các loại hàng có tác hại lớn đến an ninh và trật tự xã hội
– Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng thanh tra chuyên ngành khác để đấu tranh ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xử lý nghiêm các phần tử chống người thi hành công vụ khi có yêu cầu.
– Tham gia cùng các ngành chỉ đạo hướng dẫn các địa phương trong việc đấu tranh chống hàng giả.
1.3- Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả .
1.4- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuỳ theo nhiệm vụ được phân công về công tác chống hàng giả, có trách nhiệm:
– Tổ chức chỉ đạo công tác chống hàng giả trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành và nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị nói trên.
– Phối hợp công tác với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có liên quan trong việc chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn hàng giả có hiệu quả đối với từng ngành hàng, mặt hàng, địa bàn và trên cả nước.
– Tổng hợp tình hình hàng giả, công tác đấu tranh chống hàng giả trong ngành gửi Bộ Thương mại tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
1.5 – Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam , các đoàn thể tổ chức xã hội khác: tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm giúp đỡ các lực lượng chống hàng giả và vận động người tiêu dùng tích cực tham gia vào việc đấu tranh chống hàng giả.
1.6- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
– Tổ chức tuyên truyền phổ biến Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để tham gia vào việc chống hàng giả, bài trừ tệ hàng giả.
– Chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương trong công tác chống hàng giả trên địa bàn.
– Tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng ở địa phương để kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển hàng giả.
– Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để chỉ đạo và lập kế hoạch cho từng thời kỳ.
– Tổng hợp tình hình hàng giả, công tác chống hàng giả trên địa bàn gửi Bộ Thương mại để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
1.7- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh:
– Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không được sản xuất, buôn bán hàng giả. Mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống hàng giả phát hiện cho các lực lượng kiểm tra kiểm soát, các đối tượng và tụ điểm sản xuất kinh doanh hàng giả để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
– Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp hàng hoá sử dụng biện pháp dán tem để chống giả cho sản phẩm của mình. Tem chống giả của doanh nghiệp không được trùng hoặc tương tự với các loại tem hàng nhập khẩu Nhà nước phát hành.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các ngành và địa phương cần kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo 31-TW và liên Bộ để giải quyết.