Thông tư 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thi hành
____________________
Căn cứ Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc tiếp nhận, thẩm tra và chuyển giao hồ sơ quốc tịch; thông báo kết quả giải quyết các việc về quốc tịch; giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài hết thời hạn; giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam; đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và thông báo có quốc tịch nước ngoài; xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam; ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh thông tin về quốc tịch.
Điều 2. Tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam
1. Khi tiếp nhận hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp (sau đây gọi là Cơ quan tiếp nhận hồ sơ) ghi vào Sổ thụ lý hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, đồng thời cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định và phải được đóng dấu treo của Cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì Cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho đương sự bổ sung, hoàn thiện theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc thẩm tra hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam nhằm kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ và tính xác thực của các thông tin về người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh nếu thấy có những điểm chưa rõ ràng, thiếu chính xác về họ tên, địa chỉ, quan hệ gia đình, mục đích xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, thông tin chứng minh về sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Việt Nam hoặc các thông tin khác liên quan.
3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập danh mục các giấy tờ có trong từng hồ sơ và danh sách những người được đề nghị giải quyết các việc về quốc tịch theo mẫu quy định.
4. Đối với hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm phân loại thành hồ sơ thuộc diện được miễn xác minh về nhân thân theo quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam và hồ sơ thuộc diện cần phải xác minh về nhân thân. Trường hợp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam thuộc diện được miễn xác minh về nhân thân, thì thời hạn của giấy tờ bảo đảm cho nhập quốc tịch nước ngoài phải còn ít nhất là 120 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp không được miễn thủ tục xác minh về nhân thân thì thời hạn phải còn ít nhất là 150 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Điều 3. Chuyển giao hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam
1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (thông qua Bộ Ngoại giao), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) gửi Bộ Tư pháp văn bản đề xuất ý kiến kèm theo danh sách những người được đề nghị giải quyết và hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Khi gửi văn bản đề xuất ý kiến về việc giải quyết hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng thời gửi cho Bộ Tư pháp danh sách những người được đề nghị giải quyết vào địa chỉ thư điện tử của Bộ Tư pháp: [email protected].
2. Sau khi nhận được văn bản đề xuất ý kiến kèm theo danh sách những người được đề nghị giải quyết và hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam nêu tại khoản 1 Điều này, Bộ Tư pháp ghi vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và đăng tải danh sách những người được đề nghị giải quyết các việc về quốc tịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cập nhật tiến độ kết quả giải quyết hồ sơ vào danh sách đã được đăng tải.
Điều 4. Thông báo kết quả giải quyết hồ sơ cho người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam
1. Trường hợp người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi cho người được nhập, được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam bản sao Quyết định đó kèm theo bản trích sao danh sách những người được nhập, được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam, đồng thời gửi 01 bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ để theo dõi, quản lý, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch.
2. Trường hợp người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi bản sao Quyết định này kèm theo danh sách những người được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam cho Bộ Ngoại giao để chuyển cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã tiếp nhận hồ sơ. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao Quyết định, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thông báo bằng văn bản cho người được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam, trong đó ghi rõ: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định.
3. Trường hợp Bộ Tư pháp thấy không đủ điều kiện để trình Chủ tịch nước giải quyết cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc không được Chủ tịch nước đồng ý cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, thì thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (thông qua Bộ Ngoại giao) hoặc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo cho người nộp hồ sơ biết.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568