Thông tư liên tịch 01/1997/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng về tài sản cho các bên liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và hành chính khi có sự thay đổi về giá cả hay trong các trường hợp bên có nghĩa vụ về tài sản chưa thực hiện, chậm thực hiện theo thoả thuận, chưa thi hành án gây nên; để thi hành nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-1996), Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản như sau:
I- TRƯỜNG HỢP ĐỐI TƯỢNG CỦA NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN LÀ CÁC KHOẢN TIỀN, VÀNG
1- Đối với nghĩa vụ là các khoản tiền bồi thường, tiền hoàn trả, tiền công, tiền lương, tiền chia tài sản, tiền đền bù công sức, tiền cấp dưỡng, tiền vay không có lãi, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính thì giải quyết như sau:
a) Nếu việc gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ dân sự xảy ra trước ngày 1-7-1996 và trong thời gian từ thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ đến thời điểm xét xử sơ thẩm mà giá gạo tăng từ 20% trở lên, thì Toà án quy đổi các khoản tiền đó ra gạo theo giá gạo loại trung bình ở địa phương (từ đây trở đi gọi tắt là "giá gạo") tại thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ, rồi tính số lượng gạo đó thành tiền theo giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm để buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán và chịu án phí theo số tiền đó.
Ví dụ: Tháng 1-1995 xảy ra việc tham ô khoản tiền 1 triệu đồng. Nếu tháng 10-1996 xét xử sơ thẩm và giá gạo trong thời gian này đã tăng quá 20%, thì Toà án phải quy đổi 1 triệu đồng ra gạo theo giá gạo vào tháng 1-1995. Giả định giá gạo vào tháng 1-1995 là 2.000 đồng/kg, thì số lượng gạo được quy đổi là 500 kg (1 triệu đồng): 2000 đồng/kg = 500 kg). Giả định giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm vào tháng 10-1996 là 4.000 đồng/kg, thì trong phần quyết định của bản án, Toà án buộc người bị kết án về tội tham ô phải bồi thướng số tiền là 2 triệu đồng (500 kg x 4000 đồng/ kg = 2 triệu đồng), phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 100.000 đồng (5% x 2 triệu đồng) = 100.000 đồng).
b) Nếu việc gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ xảy ra sau ngày 1-7-1996 hoặc tuy xảy ra trước ngày 1-7-1996, nhưng trong khoảng thời gian từ thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ đến thời điểm xét xử sơ thẩm mà giá gạo không tăng hay tuy có tăng nhưng ở mức dưới 20%, thì Toà án chỉ xác định các khoản tiền đó để buộc bên có nghĩa vụ phải thanh toán bằng tiền. Trong trường hợp người có nghĩa vụ có lỗi thì ngoài khoản tiền nói trên còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: Tháng 2 năm 1996, anh A vay của chị B 2.000.000 đồng không có lãi, với thời hạn vay là một tháng. Đến ngày 20-3-1996 là hạn phải trả nợ, nhưng anh A không trả được cho chị B. Do đòi nhiều lần không được nên vào tháng 8-1996 chị B khởi kiện yêu cầu Toà án buộc anh A trả số tiền đã vay và phải trả tiền lãi cho bị B theo quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568