Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” do liên bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 71/2009/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ CÁC HUYỆN NGHÈO ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG GÓP PHẦN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2009-2020”
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002 và
Căn cứ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020;
Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (sau đây gọi tắt là Đề án) như sau:
MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi: Thông tư này hướng dẫn nguồn kinh phí thực hiện Đề án; lập, phân bổ, quyết định giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí, nội dung, mức chi, quy trình, thủ tục hỗ trợ đối với chính sách và các hoạt động của Đề án.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Người lao động sinh sống tại huyện nghèo có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đủ 12 tháng trở lên kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận cư trú hợp pháp.
b) Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) tham gia Đề án.
c) Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách và hoạt động của Đề án.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ văn hóa để tham gia xuất khẩu lao động; các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước; giám sát, đánh giá của cơ quan địa phương được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương các tỉnh có huyện nghèo.
2. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ chi phí khám sức khoẻ, làm hộ chiếu, viza, lý lịch tư pháp và các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động; xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghề cho lao động xuất khẩu; tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước; giám sát, đánh giá tại trung ương được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Nguồn kinh phí xây dựng chương trình, tài liệu bổ túc kiến thức văn hoá phù hợp với đặc thù của người nghèo, người dân tộc thiểu số bố trí trong dự toán chi hàng năm của sự nghiệp giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ rủi ro đối với người lao động thuộc đối tượng của Đề án từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
5. Nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi
a) Ngân sách trung ương chuyển vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng đi xuất khẩu lao động vay theo quy định tại điểm a khoản 2 mục III Điều 1 Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg. Ngân sách nhà nước cấp bù phí quản lý theo quy định.
b) Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động vốn để cho các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động vay theo quy định tại điểm b khoản 2 mục III Điều 1 Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg. Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định.
6. Nguồn kinh phí đóng góp của người lao động và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Điều 3. Công tác lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
Việc lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm cụ thể như sau:
1. Lập dự toán
a) Hàng năm, căn cứ Chỉ thị lập kế hoạch kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, văn bản hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi tắt là UBND tỉnh); trên cơ sở kế hoạch, mục tiêu của Đề án tại địa phương đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định tại Thông tư này, Uỷ ban nhân dân huyện nghèo có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg (cùng với kinh phí thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ) đối với các nhiệm vụ do địa phương thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư này, theo từng chế độ, chính sách hỗ trợ và cùng với dự toán ngân sách huyện gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tổng hợp cùng dự toán ngân sách tỉnh, trình UBND tỉnh gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ đối với kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, tài liệu bổ túc kiến thức văn hoá theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.
c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ đối với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trực tiếp thực hiện và tổng hợp kinh phí thực hiện của các địa phương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.
d) Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ do Ngân hàng thực hiện gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568