Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH quy định về mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ VÀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG MÀ DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ ĐƯỢC THỎA THUẬN KÝ QUỸ VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Căn cứ
Căn cứ Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước;
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà Doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thỏa thuận ký quỹ với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi chung là doanh nghiệp dịch vụ).
2. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp dịch vụ (sau đây gọi chung là người lao động).
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện ký quỹ
Người lao động và doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận về việc ký quỹ theo ngành, nghề, nước tiếp nhận lao động với mức tiền ký quỹ không quá mức trần tiền ký quỹ được quy định tại Thông tư này.
>>> Luật sư
Điều 4. Mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động được thỏa thuận ký quỹ
Thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động và mức trần tiền ký quỹ của người lao động tại một số thị trường lao động theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp người lao động không ký quỹ hoặc không đủ tiền để ký quỹ, doanh nghiệp dịch vụ có thể thỏa thuận với người lao động thực hiện bảo lãnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung Hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 5. Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ
Việc thực hiện, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 6. Chế độ báo cáo
Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất (khi có yêu cầu) về tình hình thực hiện, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm.
Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp
Các thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động về mức tiền ký quỹ tại các thị trường lao động thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện cho đến khi thời hạn thỏa thuận ký quỹ đó hết hiệu lực.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
Các doanh nghiệp dịch vụ và người lao động có trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan khác có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để kịp thời hướng dẫn, bổ sung./.