Thông tư 170/2016/TT-BQP quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2016
BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 170/2016/TT-BQP | Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CẤP BẬC QUÂN HÀM QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP TƯƠNG ỨNG VỚI MỨC LƯƠNG, PHONG, THĂNG, GIÁNG CẤP BẬC QUÂN HÀM TRONG TRƯỜNG HỢP BỊ KỶ LUẬT HẠ BẬC LƯƠNG; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị; công nhân và viên chức quốc phòng; các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm người chỉ huy cơ quan, tổ chức, đơn vị và phân công, phân cấp trong quản lý.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Tuân thủ thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm quyền của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các quyết định theo quy định của Thông tư này.
Chương II
CẤP BẬC QUÂN HÀM QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP TƯƠNG ỨNG VỚI MỨC LƯƠNG, XẾP LƯƠNG, PHONG, THĂNG CẤP BẬC QUÂN HÀM QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP
Điều 4. Cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương
1. Cấp bậc quân hàm Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương có hệ số dưới 3,95.
2. Cấp bậc quân hàm Trung úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 3,95 đến dưới 4,45.
3. Cấp bậc quân hàm Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,45 đến dưới 4,90.
4. Cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,90 đến dưới 5,30.
5. Cấp bậc quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 5,30 đến dưới 6,10.
6. Cấp bậc quân hàm Trung tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 6,10 đến dưới 6,80.
7. Cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số6,80 trở lên.
Điều 5. Xếp lương, phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp
Các đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 14
1. Sĩ quan Quân đội nhân dân; công nhân và viên chức quốc phòng được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, thì căn cứ vị trí chức danh; trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ; mức lương hiện hưởng để xếp loại, xếp nhóm, xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Trường hợp vị trí chức danh không đúng với ngành nghề chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ được đào tạo thì xếp loại, xếp nhóm, xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp theo ngành nghề chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và vị trí chức danh đang đảm nhiệm.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp thì căn cứ vị trí chức danh; trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ để xếp loại, xếp nhóm, xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
3. Cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp thì căn cứ vị trí chức danh tuyển dụng; trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ; mức lương hiện hưởng theo ngạch, chức danh nghề nghiệp và thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có) để xếp loại, xếp nhóm, xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Trường hợp không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì căn cứ vị trí chức danh tuyển dụng; trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ để xếp loại, xếp nhóm, xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Điều 6. Thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp khi được nâng lương
1. Quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm khi cấp bậc quân hàm đang giữ thấp hơn cấp bậc quân hàm tương ứng với mức lương được nâng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Trường hợp cấp bậc quân hàm đang giữ bằng bậc quân hàm cao nhất theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòngthì chỉ xét nâng lương hoặc cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, không thăng cấp bậc quân hàm.
3. Trường hợp cấp bậc quân hàm đang giữ cao hơn bậc quân hàm cao nhất theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòngthì được bảo lưu.
Chương III
GIÁNG CẤP BẬC QUÂN HÀM TRONG TRƯỜNG HỢP QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP BỊ KỶ LUẬT HẠ BẬC LƯƠNG
Điều 7. Giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp quân nhân chuyên nghiệp bị kỷ luật hạ bậc lương
Quân nhân chuyên nghiệp vi phạm kỷ luật bị xử lý bằng hình thức hạ bậc lương thì căn cứ bậc lương bị hạ xuống và mức lương tương ứng với cấp bậc quân hàm theo quy định tại Điều 4 Thông tư này để giáng cấp bậc quân hàm.
Điều 8. Xếp lương trong trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm
1. Quân nhân chuyên nghiệp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ một hoặc nhiều bậc lương đủ căn cứ số bậc lương bị hạ xuống để xếp bậc lương mới cùng nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp.
Trường hợp đang hưởng lương bậc 1 thì không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật để áp dụng hình thức kỷ luật quy định tại Điểm a, b, c, d và Điểm g Khoản 1 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
2. Quân nhân chuyên nghiệp bị kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc quân hàm thì căn cứ cấp bậc quân hàm bị giáng xuống để xếp mức lương có hệ số cao nhất của cấp bậc quân hàm bị giáng cùng nhóm, loại quân nhân chuyên nghiệp.
Trường hợp đang giữ cấp bậc quân hàm Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp thì không áp dụng hình thức kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật để áp dụng hình thức kỷ luật quy định tại Điểm a, b, c, d, đ và Điểm g Khoản 1 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
3. Quân nhân chuyên nghiệp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu bị kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm thì không được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung và xếp lương thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Thời gian hưởng bậc lương mới kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành. Thời gian giữ bậc lương trước khi bị xử lý kỷ luật được bảo lưu để tính vào thời gian xét nâng lương lần kế tiếp; thời gian xét nâng lương lần kế tiếp bị kéo dài thêm 12 tháng so với quy định.
Chương IV
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN NÂNG LƯƠNG, NÂNG LOẠI, CHUYỂN NHÓM, THĂNG HẠNG, PHONG, THĂNG CẤP BẬC QUÂN HÀM; HẠ BẬC LƯƠNG, LOẠI, NHÓM, HẠNG, GIÁNG CẤP BẬC QUÂN HÀM VÀ CHO THÔI PHỤC VỤ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG
Điều 9. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
a) Phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp;
b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên; thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;
c) Nâng loại quân nhân chuyên nghiệp;
d) Nâng lương đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên;
đ) Nâng loại công nhân quốc phòng, thăng hạng viên chức quốc phòng.
2. Thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80; thăng cấp bậc quân hàm từ Trung úy đến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;
b) Nâng lương đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới6,20.
3. Cấp có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm, nâng lương đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thìcó thẩm quyền cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.
4. Cấp có thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, thăng quân hàm đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, cho thôi phục vụ trong quân đội đối với công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.
Điều 10. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, phong, thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị
1. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, phong, thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị được thực hiện theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.
2. Thẩm quyền hạ bậc lương; hạ loại, nhóm; giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư này.
Điều 11. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được bổ nhiệm giữ chức vụ cán bộ
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được bổ nhiệm giữ chức vụ cán bộ thực hiện theo Quy định về công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 12. Trình tự, thủ tục nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Trình tự, thủ tục thuộc thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đến thời hạn nâng lương hoặc đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng loại, chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp; nâng loại công nhân quốc phòng; thăng hạng viên chức quốc phòng báo cáo trực tiếp người chỉ huy đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương;
b) Cấp ủy, chỉ huy đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương có trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra, xét duyệt và đề nghị cấp trên trực tiếp bằng văn bản theo phân cấp quản lý;
c) Quân lực cấp trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm tổng hợp, thẩm định đề nghị nâng lương, thăng cấp bậc quân hàm, nâng loại, chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng của đơn vị thuộc quyền; thông qua hội đồng tiền lương; báo cáo cấp ủy, chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương xét duyệt, đề nghị cấp trên trực tiếp bằng văn bản đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng;
d) Cơ quan quân lực đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định đề nghị nâng lương, thăng cấp bậc quân hàm, nâng loại, chuyển nhóm quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng của đơn vị cấp dưới trực tiếp; thông qua hội đồng tiền lương; báo cáo cấp ủy, chỉ huy đơn vị:
– Quyết định nâng lương, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương công nhân quốc phòng; nâng lương viên chức quốc phòng thuộc thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.
– Báo cáo đề nghị nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này.
2. Trình tự, thủ tục thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu tiếp nhận báo cáo đề nghị nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; thẩm định, tổng hợp báo cáo Tổng Tham mưu trưởng xem xét và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
3. Quyết định của cấp thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Sau khi nhận được quyết định, chậm nhất 15 ngày làm việc, chỉ huy các cấp (cấp trung đoàn, tiểu đoàn độc lập và tương đương) phải tổ chức công bố và trao quyết định cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Điều 13. Hồ sơ và thời gian thực hiện
1. Hồ sơ:
a) Văn bản đề nghị của người chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương trở lên đến cấp đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Danh sách đề nghị nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng;
c) Bản sao các tài liệu liên quan đến nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
2. Thời gian thực hiện:
a) Bộ Quốc phòng xét, quyết định nâng lương, nâng loại, thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng; cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thuộc thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 9 Thông tư này vào tháng 7 hằng năm.
b) Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng xét, quyết định nâng lương, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương công nhân và viên chức quốc phòng; cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thuộc thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Thông tư này vào tháng 7 hằng năm.
c) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu được cấp có thẩm quyền xét nâng lương trước thời hạn. Việc xét nâng lương trước thời hạn thực hiện vào tháng cuối hằng quý.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2009/TT-BQP ngày 18 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quyền hạn nâng, hạ bậc, loại, ngạch lương; chuyển nhóm, ngạch lương; chuyển chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng; phong, phiên, tước và giáng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; Thông tư số05/2014/TT-BQP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi Khoản 6 Mục 1 của Thông tư số 12/2009/TT-BQPngày 18 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thông tư số 31/2010/TT-BQP ngày 06 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phong, phiên quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong Thông tư này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG Trung tướng Phan Văn Giang |