Thông tư 17/2015/TT-NHNN Quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 21/10/2015. Thông tư 17/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt nội dung Thông tư 17/2015/TT-NHNN:
- Quy định về cấu trúc mã ngân hàng: Mã ngân hàng gồm 8 ký tự và được chia thành 3 nhóm:
+ Nhóm 1: Gồm 2 ký tự đầu tiên, là ký hiệu mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã sử dụng chung cho trường hợp cấp mã cho chi nhánh tại nước ngoài của tổ chức tín dụng.
+ Nhóm 2: Gồm 3 ký tự tiếp theo, là ký hiệu mã tổ chức tín dụng.
+ Nhóm 3: Gồm 3 ký tự cuối cùng, là ký hiệu mã chi nhánh/phòng giao dịch/phòng kinh doanh.
- Quy định về việc cấp mã ngân hàng: Mã ngân hàng được cấp cho tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng được thành lập, hợp nhất, chia, tách. Mã ngân hàng không thay đổi trong suốt quá trình hoạt động của tổ chức tín dụng.
- Quy định về việc hủy bỏ mã ngân hàng: Mã ngân hàng được hủy bỏ khi tổ chức tín dụng giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động.
- Quy định về việc sử dụng mã ngân hàng: Mã ngân hàng được sử dụng trong các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng như:
+ Thanh toán quốc tế.
+ Thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng.
+ Giao dịch ngoại hối.
+ Các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng khác do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Thông tư 17/2015/TT-NHNN có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hệ thống thanh toán quốc gia.
2. Thuộc tính Thông tư 17/2015/TT-NHNN:
Số hiệu: | 17/2015/TT-NHNN |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước |
Ngày ban hành: | 21/10/2015 |
Ngày công báo: | 23/11/2015 |
Người ký: | Nguyễn Toàn Thắng |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày hiệu lực: | 01/07/2016 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Thông tư 17/2015/TT-NHNN có còn hiệu lực không?
Thông tư 17/2015/TT-NHNN Quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 21/10/2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Thông tư 17/2015/TT-NHNN:
- Luật các tổ chức tín dụng 2010;
-
Nghị định 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5. Toàn văn nội dung Thông tư 17/2015/TT-NHNN:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2015/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG MÃ NGÂN HÀNG DÙNG TRONG HOẠT ĐỘNG, NGHIỆP VỤ NGÂN HÀNG
Căn cứ
Căn cứ
Căn cứ Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ tin học;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về mã ngân hàng áp dụng cho:
1. Hoạt động nội bộ Ngân hàng Nhà nước;
2. Hoạt động, nghiệp vụ qua Ngân hàng Nhà nước;
3. Hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là Ngân hàng Nhà nước).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các đối tượng được cấp mã ngân hàng bao gồm:
a) Đơn vị Ngân hàng Nhà nước;
b) Tổ chức tín dụng và các đơn vị phụ thuộc, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước các cấp;
c) Các tổ chức khác có hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.
2. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước sử dụng mã ngân hàng được quy định tại Thông tư này trong các hoạt động nghiệp vụ nội bộ hoặc nghiệp vụ liên ngân hàng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mã ngân hàng là một dãy ký tự, được quy định theo một nguyên tắc thống nhất và xác định duy nhất cho mỗi đối tượng được cấp mã.
2. Thông tin ngân hàng là một số thông tin cơ bản về đối tượng được cấp mã ngân hàng, gắn liền với mã ngân hàng và một số thuộc tính của đối tượng được cấp mã ngân hàng.
3. Hoạt động nội bộ Ngân hàng Nhà nước là những hoạt động trong phạm vi một đơn vị hoặc giữa các đơn vị Ngân hàng Nhà nước.
4. Hoạt động, nghiệp vụ qua Ngân hàng Nhà nước là những hoạt động, nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức khác có hoạt động liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:
a) Hoạt động thanh toán qua tài khoản thanh toán;
b) Nghiệp vụ đấu thầu tín phiếu, trái phiếu và nghiệp vụ thị trường mở;
c) Hoạt động thông tin tín dụng;
d) Hoạt động thông tin phòng, chống rửa tiền;
đ) Các hoạt động, nghiệp vụ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
5. Đơn vị Ngân hàng Nhà nước là các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 3 Nghị định 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng là các đơn vị thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng bao gồm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
7. Gửi hồ sơ đề nghị cấp, hủy bỏ mã ngân hàng, điều chỉnh thông tin ngân hàng qua mạng là việc thực hiện gửi đề nghị cấp, hủy bỏ mã ngân hàng, điều chỉnh thông tin ngân hàng thông qua Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước có sử dụng chữ ký số an toàn được Ngân hàng Nhà nước cấp theo quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 4. Nguyên tắc cấp, hủy bỏ mã ngân hàng
1. Mã ngân hàng cấp duy nhất cho mỗi đơn vị thuộc đối tượng được cấp mã ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
2. Mã ngân hàng không thay đổi và ổn định trong suốt quá trình đơn vị được cấp mã tồn tại thực tế.
3. Mã ngân hàng đã cấp không sử dụng lại cho đơn vị khác.
4. Việc cấp mã ngân hàng thực hiện khi đối tượng được cấp mã ngân hàng thành lập, hợp nhất, chia, tách.
5. Việc hủy bỏ mã ngân hàng thực hiện khi đối tượng đã được cấp mã ngân hàng giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.
Điều 5. Thẩm quyền cấp, hủy bỏ mã ngân hàng và điều chỉnh thông tin ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Cục trưởng Cục Công nghệ tin học cấp, hủy bỏ mã ngân hàng, điều chỉnh thông tin ngân hàng.
Điều 6. Công khai mã ngân hàng, thông tin ngân hàng
Mã ngân hàng và thông tin ngân hàng được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
Chương II
QUY ĐỊNH CẤU TRÚC MÃ NGÂN HÀNG, THÔNG TIN NGÂN HÀNG
Điều 7. Cấu trúc mã ngân hàng
Cấu trúc mã ngân hàng gồm 8 ký tự và chia thành 3 nhóm như sau:
1. Nhóm 1: gồm 2 ký tự đầu bên trái, là kí hiệu mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã sử dụng chung cho trường hợp cấp mã cho chi nhánh tại nước ngoài của tổ chức tín dụng.
2. Nhóm 2: gồm 3 ký tự kế tiếp nhóm 1, là kí hiệu mã hệ thống của tổ chức được cấp mã ngân hàng.
3. Nhóm 3: gồm 3 ký tự cuối, là số thứ tự đơn vị của từng hệ thống trên mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nước ngoài.
Điều 8. Thông tin ngân hàng
1. Thông tin ngân hàng của đối tượng được cấp mã ngân hàng bao gồm:
a) Tên giao dịch gồm tên đầy đủ bằng tiếng Việt (được quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền), tên tiếng Anh, tên viết tắt;
b) Địa chỉ của đối tượng được cấp mã ngân hàng;
c) Số điện thoại, số fax liên hệ, địa chỉ thư điện tử (email);
d) Loại hình tổ chức tín dụng (đối với tổ chức tín dụng);
đ) Loại đơn vị (trụ sở chính, đơn vị phụ thuộc).
2. Thông tin ngân hàng tồn tại gắn liền với mã ngân hàng của đối tượng được cấp mã và mất đi khi mã ngân hàng đó bị hủy bỏ.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC CẤP, HỦY BỎ MÃ NGÂN HÀNG, ĐIỀU CHỈNH THÔNG TIN NGÂN HÀNG
Điều 9. Trình tự, thủ tục cấp mã ngân hàng
1. Đối với các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, khi có nhu cầu cấp mã ngân hàng, đơn vị có văn bản đề nghị cấp mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 01 gửi đến hộp thư điện tử của Cục Công nghệ tin học (được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước);
2. Đối với tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động (thành lập mới, hợp nhất, chia, tách), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp mã ngân hàng đến hộp thư điện tử của Cục Công nghệ tin học (được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước), hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 01;
b) Bản chụp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Văn bản đề nghị cấp tài khoản quản lý mã ngân hàng trên mạng theo mẫu Phụ lục 04.
3. Đối với đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập, tổ chức tín dụng thực hiện gửi 01 bộ hồ sơ cấp mã ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 01;
b) Bản chụp giấy phép thành lập đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng.
4. Đối với quỹ tín dụng nhân dân, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện lập 01 bộ hồ sơ cấp mã ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 01;
b) Bản chụp giấy phép thành lập và hoạt động.
5. Đối với Kho bạc Nhà nước các cấp, khi có nhu cầu cấp mã ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thực hiện lập 01 bộ hồ sơ cấp mã ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 01;
b) Bản chụp Quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền.
6. Đối với các tổ chức khác có hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, khi có nhu cầu cấp mã ngân hàng, đơn vị gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp mã ngân hàng đến hộp thư điện tử của Cục Công nghệ tin học (được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước), hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 01;
b) Bản chụp Quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền.
7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Cục Công nghệ tin học cấp mã ngân hàng và thông báo kết quả qua mạng cho đơn vị đề nghị cấp mã. Trường hợp từ chối cấp mã ngân hàng, Cục Công nghệ tin học thông báo qua mạng cho đơn vị đề nghị cấp mã và nêu rõ lý do.
8. Trong trường hợp cần thiết phục vụ cho hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử, Cục Công nghệ tin học chủ động thực hiện cấp mã ngân hàng cho các đối tượng được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
Điều 10. Trình tự, thủ tục hủy bỏ mã ngân hàng
1. Đối với các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hoạt động, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02 gửi Cục Công nghệ tin học qua mạng.
2. Đối với tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có Quyết định giải thể, phá sản, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02 gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng.
3. Đối với tổ chức tín dụng bị sáp nhập, bị hợp nhất, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, tổ chức tín dụng thành lập sau hợp nhất thực hiện lập 01 bộ hồ sơ đề nghị hủy mã ngân hàng đối với tổ chức tín dụng bị sáp nhập, bị hợp nhất gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02;
b) Bản chụp Quyết định sáp nhập, hợp nhất của đơn vị được hủy mã ngân hàng.
4. Đối với đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định chấm dứt hoạt động, tổ chức tín dụng thực hiện lập 01 bộ hồ sơ hủy mã ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02;
b) Bản chụp Quyết định chấm dứt hoạt động của đơn vị được hủy mã ngân hàng.
5. Đối với quỹ tín dụng nhân dân, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố lập 01 bộ hồ sơ hủy mã ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02;
b) Bản chụp Quyết định về việc giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động của đơn vị được hủy mã ngân hàng.
6. Đối với Kho bạc Nhà nước các cấp, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định chấm dứt hoạt động, Kho bạc Nhà nước thực hiện lập 01 bộ hồ sơ hủy mã ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02;
b) Bản chụp Quyết định chấm dứt hoạt động của cấp có thẩm quyền.
7. Đối với các tổ chức khác có hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, khi có nhu cầu hủy mã ngân hàng, đơn vị có văn bản đề nghị hủy mã ngân hàng theo mẫu Phụ lục 02 gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng.
8. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Cục Công nghệ tin học hủy mã ngân hàng và thông báo kết quả qua mạng cho đơn vị đề nghị hủy mã. Trường hợp từ chối hủy mã ngân hàng, Cục Công nghệ tin học thông báo qua mạng cho đơn vị đề nghị hủy mã và nêu rõ lý do.
9. Khi không còn nhu cầu tiếp nhận báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử với các tổ chức khác đã được cấp mã theo Khoản 6, Khoản 8 Điều 9 Thông tư này, Cục Công nghệ tin học chủ động thực hiện hủy mã ngân hàng và thông báo cho các đơn vị liên quan.
Điều 11. Trình tự, thủ tục điều chỉnh thông tin ngân hàng
1. Đối với các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, khi có thay đổi thông tin ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin ngân hàng, đơn vị có văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng gửi Cục Công nghệ tin học qua mạng theo mẫu Phụ lục 03.
2. Đối với các tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khi có thay đổi thông tin ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin ngân hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện lập 01 bộ hồ sơ điều chỉnh thông tin ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng theo mẫu Phụ lục 03;
b) Bản chụp văn bản chấp thuận thay đổi thông tin đối với các thông tin quy định tại Điểm a, b, d, đ Khoản 1 Điều 8.
3. Đối với quỹ tín dụng nhân dân, khi có thay đổi thông tin ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện lập 01 bộ hồ sơ điều chỉnh thông tin ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng theo mẫu Phụ lục 03;
b) Bản chụp văn bản chấp thuận thay đổi thông tin đối với các thông tin quy định tại Điểm a, b, d, đ Khoản 1 Điều 8.
4. Đối với Kho bạc Nhà nước các cấp, khi có thay đổi thông tin ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thực hiện lập 01 bộ hồ sơ điều chỉnh thông tin ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng theo mẫu Phụ lục 03;
b) Bản chụp văn bản chấp thuận thay đổi thông tin của cấp có thẩm quyền đối với các thông tin quy định tại Điểm a, b, d, đ Khoản 1 Điều 8.
5. Đối với các tổ chức khác có hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, khi có nhu cầu điều chỉnh thông tin ngân hàng, đơn vị thực hiện lập 01 bộ hồ sơ điều chỉnh thông tin ngân hàng gửi đến Cục Công nghệ tin học qua mạng, hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng theo mẫu Phụ lục 03;
b) Bản chụp văn bản chấp thuận thay đổi thông tin của cấp có thẩm quyền đối với các thông tin quy định tại Điểm a, b, d, đ Khoản 1 Điều 8.
6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Cục Công nghệ tin học thực hiện điều chỉnh thông tin ngân hàng và thông báo kết quả qua mạng cho đơn vị đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng. Trường hợp từ chối điều chỉnh thông tin ngân hàng, Cục Công nghệ tin học thông báo qua mạng cho đơn vị đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng và nêu rõ lý do.
7. Cục Công nghệ tin học chủ động rà soát, điều chỉnh thông tin ngân hàng đối với các tổ chức khác đã được cấp mã ngân hàng theo Khoản 6, Khoản 8 Điều 9 Thông tư này và thông báo cho các đơn vị liên quan.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị
1. Cục Công nghệ tin học có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận và xử lý các thủ tục được quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này;
b) Quản lý, vận hành và duy trì hoạt động của hệ thống mã ngân hàng;
c) Ban hành, hướng dẫn quy trình gửi hồ sơ đề nghị cấp, hủy bỏ mã ngân hàng, điều chỉnh thông tin ngân hàng qua mạng;
d) Công bố công khai các thông tin về mã ngân hàng, thông tin ngân hàng, hộp thư điện tử của Cục Công nghệ tin học, quy trình gửi hồ sơ đề nghị cấp, hủy bỏ mã ngân hàng, điều chỉnh thông tin ngân hàng qua mạng trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.
2. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư này.
Điều 13. Quy định chuyển tiếp
Các đối tượng được cấp mã ngân hàng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng mã ngân hàng và thông tin ngân hàng gắn liền với mã ngân hàng đã được cấp. Việc hủy bỏ mã ngân hàng, điều chỉnh thông tin ngân hàng đối với các đối tượng đã được cấp mã ngân hàng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
2. Thông tư này thay thế cho các văn bản, quy định sau:
a) Quyết định số 23/2007/QĐ-NHNN ngày 5/6/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng;
b) Quyết định số 43/2007/QĐ-NHNN ngày 23/11/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Điều 2 Quyết định số 23/2007/QĐ-NHNN ngày 5/6/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng;
c) Quyết định số 08/2008/QĐ-NHNN ngày 7/4/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Điều 1 Quyết định số 43/2007/QĐ-NHNN ngày 23/11/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Điều 2 Quyết định số 23/2007/QĐ-NHNN ngày 5/6/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng;
d) Điều 7 Thông tư số 23/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 về việc thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động thanh toán và các lĩnh vực khác theo Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác có hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử liên quan đến Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Toàn Thắng